Chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ tiếp tục tăng nếu chưa có giải pháp nào từ Ngân hàng Nhà nước. |
Khảo sát ngày 5/3, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt giá vàng nhẫn tròn trơn xác lập đỉnh mới. Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn 24k được niêm yết ở mức 67,38-68,58 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 600 nghìn đồng/lượng so với hôm trước. Đây cũng là mức giá cao nhất của loại vàng này từ trước đến nay.
Giá vàng SJC cũng tăng mạnh và lên sát mốc 81 triệu đồng/lượng, tương đương với mức đỉnh vừa lập được cuối tuần trước.
Trước đó 2 ngày, tức ngày 3/3, giá vàng nhẫn cũng từng thiết lập kỷ lục mới. Theo đó, giá vàng nhẫn tròn trơn tiến sát mốc 68 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, ngày 2/3, giá vàng SJC đã chạm mốc 81 triệu đồng/lượng, đổ xô các đỉnh cũ. Tuy nhiên, giá vàng SJC nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ.
Liên quan đến giá vàng tăng không ngừng, bà Lê Thị Hương Trà, Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh cao nhất đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC. “Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong những ngày gần đây trước hết là đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó, giá vàng trong nước bám theo chuyển động của giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới trên thực tế chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí còn lên sát mức kỷ lục trong lịch sử”, bà Trà nói.
Theo bà Trà, xung đột quân sự ở một số nơi có thể lan rộng nên cả thế giới đang khiến nhiều người tìm đến vàng để tích trữ và tìm tới USD để đảm bảo thanh khoản cao. Do đó, các Ngân hàng Trung ương liên tục mua vàng vào để tăng dự trữ. Ngoài ra, thực tế hiện nay, sức cầu đối với vàng tại thị trường trong nước luôn có nhu cầu tăng. Chính vì thế, giá vàng vẫn nằm trong xu thế đi lên, đồng thời chênh lệch giá mua - bán được kéo rộng gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Để hạ nhiệt thị trường vàng, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng.
Từ khi Nghị định 24 về Quản lý thị trường vàng ra đời, với việc đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia thì hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu cũng như dập thêm vàng miếng mới ra thị trường. Do đó, ngay cả khi cầu không quá lớn, mà cung không tăng, đã khiến giá vàng miếng SJC cao hơn đáng kể giá vàng trên thị trường thế giới. Bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC có thể được coi là giải pháp trước mắt.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Về giải pháp ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC và giá có thể giảm xuống. Thứ 2 để tránh mất lượng ngoại hối như vậy thì Ngân hàng Nhà nước có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc chúng ta nhập khẩu vàng, và đáp ứng được nguồn cung".
Còn về lâu dài, các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trở lại, để đáp ứng nhu cầu sản xuất vàng trong nước. Không chỉ vàng miếng, mà cả vàng nhẫn, vàng trang sức... Và để giải bài toán nguồn cung vàng miếng, thì cho phép sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều thương hiệu vàng khác nhau. Nhằm đa dạng nguồn cung, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
"Nên cho phép một số tổ chức lớn, cụ thể các ngân hàng, họ có thể cung cấp những sản phẩm vàng thương hiệu như trước đây. Và tất nhiên có 1 sự quản lý về số lượng hàng năm cho hợp lý, góp phần giải tỏa cung cầu. Và chắc chắn tôi tin rằng giá vàng thương hiệu sẽ giảm, không còn chênh lệch như hiện nay nữa", ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận định.
Người dân xếp hàng mua vàng. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại phân tích, bỏ tiền vào ngân hàng lúc này lãi suất càng ngày càng xuống thấp; còn chứng khoán nhiều người không quen đầu tư; trong khi đó, bất động sản hiện không có tính thanh khoản cao.
Do vậy, chỉ còn vàng là kênh đầu tư mà nhiều người thấy đang trong xu hướng tăng, nếu đầu tư trong thời gian dài, độ an toàn cao. Vàng là kênh đầu tư hấp dẫn nên giữ được giá cao.
Ông Hiếu cho rằng, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường thay đổi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
“Giá vàng trong xu hướng đi lên, với khoảng 40% xác suất lên được mức 85 triệu đồng/lượng”, ông Hiếu dự đoán nhưng cũng lưu ý, rất khó để đoán định được mức tăng tại thời điểm này vì giá vàng đang biến động dữ dội.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng: “Từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới chắc chắn vẫn tăng, khoảng gần 200 USD nữa. Do đó, giá vàng nhẫn trên dưới 70 triệu đồng/lượng là bình thường. Còn giá vàng SJC, nếu không có biện pháp nào từ NHNN, mức giá có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng, thậm chí 87 triệu đồng/lượng”.
Giá vàng hôm nay 2/3/2024: Vàng trong nước tăng sốc |
Giá vàng hôm nay 3/3/2024: Vàng trong nước tăng mạnh |
Giá vàng tăng kỷ lục, nhà đầu tư có nên bán chốt lời? |