Sáng 21/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.
![]() |
Phó Chủ thịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp |
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 01 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 01 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.
Về quy định thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh: Ban soạn thảo bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng (mục 2, Chương VIII). Đây là chính sách mới đề xuất nhưng chưa có tổng kết, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện Hồ sơ theo quy định.
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động. Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Về các hành vi bị nghiêm cấm: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân tại Điều 6.
Liên quan đến Giấy phép hành nghề: Trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1 Điều 19 và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ và gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng.
![]() |
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh |
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia: Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 01 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 28.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án tiếp thu.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu theo hướng quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam có lộ trình thực hiện và quy định được khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Việt Nam, đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho một số đối tượng đặc thù.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã có nhiều bổ sung, chỉnh lý đối với quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; về y học gia đình; về cấp cứu; về giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng.…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích/lập luận cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích, lập luận cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;…
Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung; rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp….
Dự án luật rất khó, rất nhiều nội dung phải có sự nghiên cứu hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là dự án luật rất khó, rất nhiều nội dung phải có sự nghiên cứu hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành ban hành cũng lâu rồi, nhiều nội dung đến thời điểm hiện nay không theo kịp thực tiễn của cuộc sống cho nên rất nhiều nội dung cần phải có sự điều chỉnh, có sự xem xét để quy định cho phù hợp và vì vậy khối lượng công việc đặt ra rất lớn.
Cho rằng, đây là dự án luật mà Nhân dân, ngành Y tế hết sức trông đơi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần phải giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa chất lượng dự luật và yêu cầu tính khẩn trương, kịp thời về mặt thời gian.
Nhắc lại đề xuất của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ban hành sớm là cần thiết, nhằm tạo công cụ pháp lý hỗ trợ, tạo thêm niềm tin cho người hành nghề y tế có thể làm việc trong một môi trường pháp lý đầy đủ và an toàn. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, làm rõ những nội dung còn vướng mắc để dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định đảm bảo chất lượng, yêu cầu đề ra.
![]() |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc ban hành sớm luật này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc tạo khuôn khổ pháp lý trong công tác khám, chữa bệnh. Thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần nhắc thêm quy định về thời gian có hiệu lực của dự luật. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc quy định trong dự thảo luật ngày 01/01/2024 có hiệu lực là để cho các cơ quan đủ thời gian chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trước tính cấp thiết phải kịp thời ban hành dự luật, có thể xem xét ngày 01/7/2023 có hiệu lực thi hành.
Phát biểu tại Phiên họp về tiến độ, quy trình thông qua dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất cấp bách. Khẳng định, ngành y tế có đóng góp rất lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cũng rất nhiều hy sinh, thiệt thòi, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nhân dân rất trông đợi, ngành y tế, cán bộ, nhân viên y tế rất mong muốn có luật sửa đổi, tạo khuôn khổ pháp lý mới để hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn.
Bảo đảm chất lượng, tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Nhấn mạnh tính cấp thiết, cần phải ban hành sớm nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, không nên vội vàng, ban hành sớm nhưng phải đảm bảo chất lượng, kỹ lưỡng, khắc phục được những bất cập, hạn chế hiện nay. Do đó, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, nếu đủ điều kiện để thông qua sớm được là tốt nhất.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, không nên đặt vấn đề thông qua theo quy trình, thủ tục tại 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp.
Cho rằng, đây là một dự luật có tính chất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tầm bao quát và ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nhất là người dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, kỳ vọng của đội ngũ cán bộ y tế và Nhân dân là có nhưng bên cạnh đó phải tính đến chất lượng xây dựng luật, thiết kế các điều khoản để đảm bảo khắc phục những yếu tố bất cập trong thời gian vừa qua, giữ gìn được hình ảnh y đức của người thầy thuốc và đáp ứng phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng lưu ý, việc ban hành luật cũng phải có tính dự phòng và đảm bảo sức sống, tuổi thọ của dự luật ban hành, phát huy được giá trị trong thực tiễn.
![]() |
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu |
Phát biểu làm rõ một số nội dung được nêu tại Phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ, một trong những luật xương sống của ngành. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án luật.
Bày tỏ quan điểm thống nhất với các ý tại Phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ và đưa vào Báo cáo, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Đồng thời, khẳng định quyết tiếp tục khẩn trương hoàn thiện dự luật đảm bảo chất lượng tốt nhất, đáp ứng các mục tiêu/yêu cầu đề ra để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Về thời điểm luật có hiệu lực, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất được giữ như quy định tại dự thảo là ngày 01/01/2024, vì còn rất nhiều nội dung cần phải thể chế hóa, đảm bảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp |
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung… Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực còn việc thông qua mấy kỳ họp sẽ do đại biểu Quốc hội quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, chúng ta mong đợi có luật mới nhưng cũng không vội vàng, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của dự luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại sửa. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần chủ động phối hợp với tinh thần cao nhất, tích cực, quyết liệt chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của Ủy ban Thường Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022 tới đây./.