Trong khi vấn đề quá tải điện lưới chưa được giải quyết, bản thân các dự án đang vận hành vẫn bị cắt giảm công suất. Theo quy định, tất cả các dự án điện gió được cấp Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 sẽ được hưởng mức giá khá hấp dẫn là 9,8 UScent/kWh cho dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 UScent/kWh cho dự án điện gió trên bờ.
Công ty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power vừa khởi công tháng 2/2020 Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng với công suất 29,4MW và tổng mức đầu tư 1.365 tỷ đồng.
Chạy đua vì… COD
Tuần trước, tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do Công ty TNHH điện gió Quốc Vinh làm chủ đầu tư đã ấn nút khởi công. Dự án này có tổng công suất 129 MW. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 30 MW, với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành năm 2021); giai đoạn 2 có công suất 99 MW với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng Hai vừa rồi, Công ty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power (BPPVC), một công ty con thuộc Banpu Power, một tập đoàn năng lượng có tiếng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương ở cả mảng năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo cũng đã khởi công giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng với công suất 29,4MW và tổng mức đầu tư 1.365 tỷ đồng.
Theo TS Naris Chaiyasoot, Chủ tịch Banpu Power, dự án Nhà máy điện gió số 3 tỉnh Sóc Trăng có tổng công suất 65MW. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2020. Toàn bộ dự án sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ 2020 đến 2021.
Cũng vào cuối tháng Hai, dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh, công suất 78 MW đã được khởi công xây dựng tại tỉnh Trà Vinh trên tổng diện tích 2.747 ha tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), với công suất thiết kế 78 MW, có 18 cột tua bin gió.
Trên đây chỉ là ba trong số hàng chục dự án điện gió gấp rút khởi công từ cuối năm 2019 đến nay. Thậm chí, có tình trạng “giữ chỗ” để làm điện gió ở nhiều địa phương sau khi thấy các dự án điện mặt trời được hưởng mức giá tốt và triển khai quá nhanh thời gian qua.
Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Janakuasa Vietnam Limited, chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh không giấu diếm khi nói rằng, các tua bin gió đầu tiên của dự án sẽ được chạy vào đầu năm 2021 và hoàn thành dự án vào giữa năm 2021 trước thời điểm COD có hiệu lực.
Nghịch lý hay có lý?
Sự nhộn nhịp của các dự án điện gió thời gian qua đã phản ánh phần nào bức tranh ngành này. Nhưng, có một nghịch lý ít ai để ý, đó là trong khi các dự án mới thi nhau động thổ khởi công để hưởng lợi mức giá từ COD, thì ngay bản thân các dự án đang vận hành lại bị cắt giảm công suất. Còn nhớ, trước Tết nguyên đán vừa rồi, Bộ Công Thương đã có cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư điện gió để giải quyết câu chuyện này. Nhưng đến nay, nó vẫn chưa có hồi kết, các nhà máy đang vận hành “kêu” liên tục, còn các dự án mới vẫn tưng bừng động thổ.
Là người trong giới điện gió, có lẽ ông Bùi Văn Thịnh, giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Bình Thuận, chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận quá hiểu những nghịch lý này. Ông Thịnh cho biết, các doanh nghiệp đã kiến nghị EVN cố gắng đưa điện gió ra khỏi danh sách cắt giảm, hoặc cắt giảm ít vì các dự án điện gió không phải là nguyên nhân gây quá tải.
“Trong khi về mặt kinh tế, giá mua điện gió chỉ 8,5 cent/kWh trong khi giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, chưa kể về kỹ thuật điện gió thân thiện hơn nhiều. Nếu cứ cắt giảm, lỗ là chắc chắn”, ông Thịnh lo lắng nói.
Nhưng cũng phải nhắc lại một nghịch lý nữa là khi các dự án năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ thì cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng được, quá tải đường dây và việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió thời gian qua là một ví dụ.
Lý giải điều này, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) giải thích, sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió, các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh, quá nóng. Để đầu tư một dự án điện mặt trời với công suất 50-100 MW chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500 kV phải mất 3 năm, đường dây 220 kV mất 2 năm.
Theo Enternews