Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá vàng liên tục tăng "phi mã" có lúc vượt qua mức 58 triệu đồng/lượng. Song, mức giá này không giữ được lâu, ngay sau đó giá vàng đã quay đầu giảm.
Giới quan sát thị trường nhận định, giá vàng sẽ có bước điều chỉnh do tăng quá nhanh trong thời gian qua. Mặc dù vậy, mấy phiên giao dịch gần đây, mặt hàng kim loại quý này vẫn tiếp tục tăng liên tiếp. Sức "nóng" của giá vàng được cho là có sự tiếp sức của hàng loạt yếu tố như: bất ổn địa chính trị, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng USD giảm giá.
Vàng là kênh đầu tư an toàn nhất trong đại dịch covid-19
Trong khi giá đồng USD nguội đi, giá vàng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết, có những ngày thay đổi theo từng giờ. Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, giá bán vàng SJC chạm ngưỡng 57,8 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS dự báo, giá vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD vào cuối năm nay. Thậm chí, nhà phân tích thị trường Naeem Aslam của Avatrade dự đoán, giá vàng sẽ vượt ngưỡng 2.000 USD ngay trong tuần tới.
Trong trung hạn, triển vọng hồi phục nền kinh tế vẫn khó đoán định và có nhiều yếu tố rủi ro tạo động lực tăng trưởng cho các loại tài sản được đánh giá là "trú ẩn an toàn", trong đó có vàng.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế.
Trong nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao, Tổng cục Thống kê nhận định.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2020 tăng 4,31% so với tháng 6, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012. Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 7 tăng 3,49% so với tháng trước, tăng 20,89% so với tháng 12/2019 và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm ngoái./.
Gia An