Những ngày đầu xuân mới, trong không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời, nhiều lễ hội truyền thống trên khắp đất nước bắt đầu khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Trở lại sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không khí lễ hội năm dự sẽ vô cùng tấp nập.
Lễ hội Đền Gióng, Hà Nội
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Hội Đền Gióng được bắt đầu ngày 6 tháng giêng hàng năm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Theo truyền thuyết, đây là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi cởi bỏ áo giáp bay về trời. Lễ hội diễn ra trong ba ngày với các nghi lễ: khai quang, rước, dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Lễ hội chùa Bái Đính và Tam Chúc
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất…
Là một trong các lễ hội lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân, lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội xuân, dành cho du khách hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, diễn ra từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3, tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.
Cách chùa Bái Đính khoảng 30 km là quần thể khu du lịch Tam Chúc, một khu tâm linh nằm ở Hà Nam. Ngày mùng 4 Tết năm nay, nơi này khai trương khu phố cổ Tam Chúc, nhằm tái hiện lại không gian xưa với những gian hàng ẩm thực truyền thống của người Việt. Cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật, xin chữ.
Lễ hội Núi Bà Đen, Tây Ninh
Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh 11km về phía Đông Bắc. Nơi đây có nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà ở khoảng lưng chừng núi.
Diễn ra thường niên tại khu du lịch núi Bà Đen vào những ngày đầu năm mới, hội xuân núi Bà Đen là lễ hội lớn và được người dân Tây Ninh đón đợi nhất năm. Hội Xuân bắt đầu với các sự kiện, lễ hội truyền thống cách mạng, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Lễ Vía Bà được xem là sự kiện quan trọng nhất ở núi Bà. Năm nay, lễ hội bắt đầu từ 25/1.
Lễ hội Lồng Tồng, Bắc Kạn
Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán cũng là lúc những cây đào, cây mận, cây lê bung hoa khoe sắc. Trên khắp các bản làng của người dân tộc Tày ở Hà Giang lại nô lức tổ chức Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội xuống đồng).
Đây là lễ hội đặc trưng của người Tày, được tổ chức thường niên vào đầu tháng giêng (khoảng mùng 6 đến mùng 10). Lễ hội là dịp để người dân cầu phúc, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no ấm bình yên. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức dịp này như bịt mắt bắt dê, hát lượn.
Lễ hội Căm Mường, Lai Châu
Người Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về các vị thần sông, núi, suối. Họ tin rằng các vị thần này che chở để có cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch.
Những giai điệu dân ca mộc mạc, giản dị nhưng giàu ý nghĩa nhân văn của đồng bào dân tộc Lự vang lên trong lễ hội Căm Mương (lễ cúng bản). Đây là dịp để bà con dân bản dâng lễ vật cầu khấn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng, phù hộ cho bà con dân bản được ăn nên làm ra, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ)
Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Vào tháng Giêng hàng năm, lễ hội sẽ được ngư dân tổ chức với mong muốn cầu cho một vùng trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội Hoa ban, Điện Biên
Lễ hội Hoa Ban từ lâu đã trở thành niềm tự hào trong tiềm thức của mỗi người dân Điện Biên. Lễ hội không chỉ khắc họa rõ nét vẻ đẹp văn hóa, tinh thần của hoa ban trong đời sống của đồng bào các dân tộc, mà còn trở thành điểm nhấn, mang đến sự bứt phá trong phát triển kinh tế du lịch.
Đây là lễ hội của người Thái, còn được biết đến với tên gọi khác là Xên bán, Xên mường, thường tổ chức vào tháng hai Âm lịch, khi hoa ban nở ở Tây Bắc. Lễ hội mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc cầu may và cũng được coi là ngày hội của tình yêu đôi lứa. Đây cũng là dịp để người địa phương và du khách tham gia các trò chơi, hát giao duyên, thi tài vào những đêm trăng sáng. Năm nay, lễ hội Hoa ban Điện Biên diễn ra từ 10 đến 13/3.