Chủ rừng năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng!
Ngày 4/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương- làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - Nguyễn Đình Trung cùng các đơn vị, ban ngành liên quan. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao.
Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 506.728ha rừng, trong đó có hơn 365.635ha rừng tự nhiên, gồm 227.909ha rừng đặc dụng, 64.416ha rừng phòng hộ và 214.403ha rừng sản xuất.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. So với giai đoạn 2012 - 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5 %, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%. Trong giai đoạn 2017 - 2022 số vụ vi phạm giảm 234 vụ, tương đương giảm 16,64%. Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn; giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trồng được 12.405 ha (cả rừng trồng mới và rừng trồng lại sau khai thác, trong đó: trồng rừng sản xuất là 10.108 ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 497 ha).
Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại các vùng trong lưu vực của hệ thống thủy điện, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong việc triển thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. |
Bên cạnh đó, còn có các mặt hạn chế: công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng; Cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc dẫn đến tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh lâm sản... chưa được ngăn chặn triệt để, rừng vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm, bị khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật còn diễn biến phức tạp...
Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều dân di cư tự do đến sinh sống nhưng chưa thực hiện được quy hoạch ổn định; Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Việc thực hiện xử lý thu hồi đất lâm nghiệp để trồng lại rừng rất khó thực hiện do người dân thực sự thiếu đất sản xuất dẫn đến khi thu hồi đất dễ tạo thành “điểm nóng” về chống đối người thi hành công vụ trong thời gian vừa qua.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao; Hầu hết các dự án Nông lâm nghiệp trên đất rừng gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả; nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém về năng lực, chậm tiến độ, cây trồng sinh trưởng kém, chưa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh lấn chiếm, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáng kể...
Hiện trường vụ phá rừng trước đó ở Đắk Lắk. |
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua tỉnh đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nhưng không được giải quyết. Nhiều năm nay, Đắk Lắk thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng không bố trí nguồn lực khiến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác cũng như các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW như: Các cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập. Trách nhiệm của các bộ, ngành cùng với tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị đề ra. Việc phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng chưa cụ thể. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng còn hạn chế. Các chính sách đối với các công ty lâm nghiệp như hiện nay chưa phù hợp; chưa có đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ, hài hòa các vấn đề liên quan công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, nhất là dân di cư tự do, giải quyết đất sản xuất, việc làm cho người dân sống gần rừng, phát triển kinh tế-xã hội liên quan rừng…
Về các đề nghị của tỉnh Đắk Lắk, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở khảo sát về những kết quả đạt được cũng như những khuyết điểm, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng hoàn thiện đề án sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định. Trên cơ sở đó sẽ ban hành các quyết sách mới thiết thực hơn nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn?
Trước đó, ngày 3/4, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - làm trưởng đoàn đã khảo sát về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, tổng diện tích rừng và đất rừng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 24.500ha. Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không xâm hại tài nguyên rừng.
Mặt khác, đơn vị cũng tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng… Ngoài diện tích rừng tự nhiên trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân cùng liên kết trồng rừng trên diện đất sản xuất nông nghiệp bị bạc màu của người dân. Các địa phương trồng rừng nằm trên địa bàn các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao với diện tích trên 1.200ha.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - làm trưởng đoàn đã khảo sát về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Hoạt động trồng rừng hàng năm đã giải quyết cho khoảng 10.000 ngày công lao động tại địa phương. Tương tự, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đang quản lý hơn 59.484ha. Nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo vệ mẫu chuẩn các hệ sinh thái rừng trên núi cao Tây Nguyên, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Đặc biệt là các loài đặc hữu và quý hiếm… Từ năm 2019 đến năm 2022, đơn vị đã tổ chức 8.137 đợt tuần tra, mật phục, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ xâm hại tài nguyên rừng. Qua đó, đơn vị đã thu gỡ 280 bẫy thú các loại, 31 súng săn tự chế, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác gỗ, săn bẫy bắt động vật hoang dã.
Theo lãnh đạo 2 đơn vị trên, điều kiện kinh tế các xã vùng đệm vẫn còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch vào địa phương chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào gây áp lực không nhỏ tới tài nguyên rừng. Hiện nay, các đối tượng vi phạm lâm luật ngày càng manh động, liều lĩnh sẵn sàng chống lại người thi hành nhiệm vụ. Nếu bị truy đuổi, các đối tượng vi phạm còn dùng súng tự chế bắn trọng thương nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, công tác điều tra cũng như chế độ chính sách cho nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa được giải quyết. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng cho lực lượng tuần tra rừng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, nguyên nhân mất rừng là do cán bộ quản lý.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cùng đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đi khảo sát. |
Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cần đánh giá lại việc các công ty lâm nghiệp để mất rừng.
"Các Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia không để xảy ra tình trạng mất rừng, vậy vì sao công ty lâm nghiệp lại để ra mất rừng. Do đó, các doanh nghiệp quản lý rừng nhưng để mất rừng thì cần chuyển thành Ban quản lý rừng. Các công ty đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi thì cần báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn. Đây là rừng Nhà nước nên giao cho Nhà nước quản lý sẽ dễ hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Qua giám sát thực tế, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những kết quả mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị công ty nghiên cứu mở rộng hoạt động theo Luật Lâm nghiệp mới; tiếp tục quan tâm phát triển rừng gỗ lớn vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân vừa bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.