Đây là lần thứ 2 Vietnam Airlines bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ trong năm. Cổ phiếu Vietnam Airlines niêm yết sàn HoSE vào tháng 5/2019, sau khi đủ 6 tháng, cổ phiếu này được đưa ra khỏi danh sách không được giao dịch ký quỹ quý I. Đến quý II, cổ phiếu bất ngờ bị cắt margin với lý do BCTC hợp nhất 6 tháng 2019 được soát xét có ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán. Quý III, tại báo cáo kiểm toán 2019, kiểm toán chỉ nêu vấn đề nhấn mạnh liên quan đế diễn biến dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty nên cổ phiếu HVN được ra khỏi danh sách cắt margin.
Nửa đầu năm, doanh nghiệp hàng không ghi nhận doanh thu thuần 24.808 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm 32% nên Vietnam Airlines lỗ gộp 4.506 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, Vietnam Airlines lỗ ròng lên đến 6.559 tỷ đồng
Sau khi trừ các chi phí, tổng công ty lỗ ròng 6.559 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ kỷ lục. Doanh nghiệp lý giải lĩnh vực hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Qua đó, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ Vietnam Airlines giảm 67% so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 50%. Trong khi đó, chi phí chỉ giảm 30%. Đồng thời, các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh hơn nhuận như Vacs, Skypec, Viags…
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán, Deloitte Việt Nam, lưu ý người đọc tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của tổng công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 18.444 tỷ đồng. Nửa đầu năm, tổng công ty lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của tổng công ty. Khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.
Những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Doanh nghiệp cho biết tại ngày báo cáo, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã và đang xem xét biện pháp hỗ trợ như cấp tín dụng không quá 4.000 tỷ và cho phép phát hành tăng vốn điều lệ để duy trì thanh khoản và hoạt động liên tục.
Gia Khánh