Quang cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. |
Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chấp hành kết luận của Kiểm toán Nhà nước
Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhất trí với kết quả đạt được đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tuy nhiên, theo đại biểu thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.
Cụ thể, báo cáo kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được tổng hợp từ 234 báo cáo kiểm toán và từ 177 kiểm toán đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 cho thấy có rất nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, còn nhiều vi phạm Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu chung chung, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trách nhiệm, không yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xử lý, điều chỉnh ngay và không rõ có phải điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương không, dẫn đến nhiều sai phạm, vi phạm kéo dài nhiều năm và nhiều trường hợp các cấp có thẩm quyền phê chuẩn các nội dung không đúng quy định cũng gây thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình |
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định để các bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm, tránh đưa vào kết luận, kiến nghị, sau đó lại chậm được thực hiện, gây thất thu, lãng phí nguồn lực.
Vấn đề thứ hai được đại biểu đề cập là trong mấy năm gần đây số chi chuyển nguồn năm sau tăng cao hơn năm trước, quy mô ngày càng lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục rà soát toàn bộ số chuyển nguồn này, trong đó kịp thời thu hồi các khoản chuyển nguồn tạm ứng không đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước chưa được xử lý dứt điểm cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp khắc phục...
Xây dựng các nhóm giải pháp riêng về thực hành tiết kiệm và phòng, chống lãng phí
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020; ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng nêu rõ, các lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, vẫn còn những vi phạm, sai sót ở những mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản…
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội |
Để năm 2022 và các năm tiếp theo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đánh giá toàn diện tình hình cả tình hình thực hành tiết kiệm và tình hình chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất. Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta phải đánh giá thực trạng công tác này đang ở mức độ nào. Ví dụ như tham nhũng được đánh giá ở mức rất nghiêm trọng.
Theo đại biểu, công tác đánh giá cần đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực có khả năng gây nhiều lãng phí và những hậu quả nặng nề đến nguồn lực của đất nước.
“Chính phủ chú ý đánh giá nguyên nhân chủ quan, nhất là nhận thức, nghi thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi nếu người đứng đầu có nhận thức, có ý thức và có trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chắc chắn cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đại biểu Hà đề nghị.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, nếu công tác dự báo làm đúng, chúng ta mới có thể chủ động tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống lãng phí. Đặc biệt, chúng ta cũng cần xây dựng các nhóm giải pháp riêng về thực hành tiết kiệm và nhóm giải pháp phòng, chống lãng phí.