Quang cảnh buổi lễ khởi công dự án
Ngày 29/5, BCG Energy đã chính thức khởi công dự án xây dựng và phát triển nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ, tọa lạc tại địa bàn xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng, diện tích 380ha và tổng công suất thiết kế 330MW; cho tới thời điểm này, Phù Mỹ là dự án nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Định. Dự án do Công ty Cổ phần Phát Triển Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch – Công ty thành viên trực thuộc BCG Energy trực tiếp triển khai.
Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được chia thành ba nhà máy với công suất lần lượt là: 120MW, 110MW và 100MW. Khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Theo Nghị định 13, cơ chế giá ưu đãi mới (FIT 2) với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời trên mái nhà, hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Vì vậy, BCG Energy đặt mục tiêu hoàn thiện toàn bộ 3 phân khu nhà máy Phù Mỹ với tổng công suất là 330MW trong năm nay và đấu nối trước 31/12/2020 để hưởng mức giá ưu đãi nói trên.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc BCG Energy kiêm Tổng Giám đốc CTP Phát Triển Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch cho biết: "Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng do tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung mới. Dự kiến trong giai đoạn năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 20 tỷ kWh và con số này sẽ gấp đôi trong năm 2025".
Trong bối cảnh năng lượng khan hiếm như hiện nay, việc một nhà máy năng lượng tái tạo với công suất lớn như Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia sẽ tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh Bình Định. Qua đó, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân, ổn định an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng cho biết chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án được triển khai và đi vào hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đã chỉ đạo huyện Phù Mỹ cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục cần thiết đối với việc xây dựng nhà máy và đường dây tải điện để điện từ nhà máy hoà vào lưới điện quốc gia trước ngày 31/12/2020.
Dù tham gia thị trường năng lượng tái tạo không phải sớm nhất, song BCG Energy lại là một trong những đấu thủ tích cực nhất.
Năm 2019 vừa qua là cột mốc đánh dấu những thành tích đầu tiên của BCG Energy, với việc đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 - công suất 40,6MW và dần thi công hoàn thiện cũng như tiến hành những thử nghiệm cuối cùng để phát điện nhà máy BCG-CME Long An 2 – công suất 100,5MW.
Hiện BCG Energy đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời trên mặt nước, năng lượng gió tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long,... Bên cạnh đó, công ty cũng nghiên cứu khả năng phát triển năng lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng LNG tại Long An. Như đã nói ở trên, do dự đoán trước được tình hình quá tải ở ‘thủ phủ’ năng lượng tái tạo, nên danh mục đầu tư của BCG Energy không tập trung ở Ninh Thuận – Bình Thuận mà tản ra cả nước.
Ông Phạm Minh Tuấn đang trả lời phỏng vấn báo giới ở buổi khởi công dự án Phù Mỹ
Còn trong Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 11/2019, BCG Energy đã tiết lộ chi tiết số tiền sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai của mình: dự án điện mặt trời Sunflower có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng đang chờ Chính phủ phê duyệt bổ sung, dự án Redsun có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng được đầu tư trong 20 năm, dự án ở Bến Tre có công suất 100MW, dự án tại Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng, nhà máy điện khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) với tổng mức đầu tư lên đến 70.000 tỷ đồng - quy mô 500ha, tổng công suất 2.800MW tại Cần Đước – Long An…
Mặt khác, trong giai đoạn 2020 – 2025, BCG Energy còn đặc biệt chú trọng đến mảng năng lượng mặt trời áp mái vì tính chất triển khai nhanh chóng và thủ tục tương đối đơn giản so với triển khai dự án nhà máy. BCG Energy đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 50MW công suất cho các dự án điện áp mái trong năm 2020 và 500MW đến năm 2025.
Liên quan đến phát triển mạng lưới điện quốc gia, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung mục II phần A Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 167/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Thông tư mới này đã sửa đổi tên của hoạt động thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực, để phù hợp với quy định tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phí ban hành tại thông tư không thay đổi, tuy nhiên tên hoạt động thẩm định được quy định chi tiết hơn.
Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực do cơ quan trung ương thực hiện, đối với công trình nhà máy thủy điện, nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời như sau:
Công suất đặt dưới 10 MW có mức thu là 10,6 triệu đồng; công suất đặt từ 10 MW đến dưới 30 MW mức thu là 15 triệu đồng; công suất đặt từ 30 MW đến dưới 100 MW mức thu phí là 18 triệu đồng; công suất đặt từ 100 MW đến dưới 300 MW là 24,5 triệu đồng; công suất đặt từ 300 MW trở lên là 28,8 triệu đồng.
Đối với công trình nhà máy nhiệt điện (than, khí, dầu, sinh khối, chất thải rắn), công suất đặt dưới 50 MW mức thu phí là 17,8 triệu đồng; công suất đặt từ 50 MW đến dưới 100 MW mức phí là 21,9 triệu đồng; công suất đặt từ 100 MW trở lên là 28,8 triệu đồng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 17/4/2020.
Hồng Nga