7 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước từ thuế chỉ đạt 666.000 tỷ đồng
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho biết, thu về ngân sách Nhà nước riêng trong tháng 7 đạt 91.600 tỷ đồng, bằng 7,3% so với dự toán pháp lệnh, tương đương 70,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ dầu thô chỉ bằng 36% cùng kỳ, thu nội địa ước khoảng 71,5% cùng kỳ. Ngoài ra, số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 71,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế thu ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý 7 tháng đầu năm đã đạt 666.080 tỷ đồng, tương đương 53,1% dự toán pháp lệnh và bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức thấp nhất so với vài năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ (năm 2019 đạt 57% số thu cả năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ; Năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 56,7%, tăng 16,2%; Năm 2017 đạt 54,8%, tăng 16,1%), thông tin trên được Tổng cục Thuế công bố, ngày 31/7.
Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu đã phải đóng cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị hạn chế, điều này tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của ngành, mặc dù sang đến tháng Năm, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát và nền kinh tế đã từng bước được mở cửa trở lại, tuy nhiên mức độ phục hồi chậm. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, như: hỗ trợ người nộp thuế gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (từ tháng Ba đến tháng Sáu), thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sau quyết toán năm 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1 và 2, tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 (theo Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ) đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong bảy tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng Tư đến nay.
Trong bối cảnh đó, để đạt được kết quả trên cơ quan thuế các cấp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý thu. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục thuế triển khai dự toán thu ngay từ ngày đầu-tháng đầu, giao nhiệm vụ thanh tra-kiểm tra doanh nghiệp cho Cục Thuế, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế đồng thời kiểm tra toàn bộ số người nộp thuế báo ngừng hoạt động. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật và tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng...
Theo đó, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 32.851 cuộc thanh tra và kiểm tra 301.420 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 30.695 tỷ đồng, tăng thu ngân sách Nhà nước 10.915 tỷ đồng. Trong đó, 104 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và truy thu, truy hoàn, phạt 269 tỷ đồng, giảm lỗ 1.785 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.373 tỷ đồng.
Về công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã thu hồi được 16.372 tỷ đồng, bằng 38,7% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ 11.466 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 4.906 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4 về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 30/7, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 179.247 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất (doanh nghiệp: 125.152 giấy đề nghị; Hộ, cá nhân kinh doanh: 54.095 giấy đề nghị) với số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.645 tỷ đồng.
PV