Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 905.000 tấn, trị giá 1,15 tỉ USD, giảm gần 6% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 7,2% so với cùng kì năm 2019, ở mức 1.272 USD/tấn.
Xuất khẩu cao su trong tháng 8 tăng cả lượng và giá trị
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 442.800 tấn, trị giá 566,59 triệu USD, tăng gần 22% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, 98,3% lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm 2020, phần lớn xuất khẩu các chủng loại cao su đều giảm so với cùng kì năm 2019, trừ một số mặt hàng vẫn đạt được sự tăng trưởng như Latex, cao su tái sinh.
Về giá xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su đều có xu hướng giảm so với cùng kì năm 2019, trừ một số chủng loại có giá xuất khẩu trung bình tăng như SVR 3L, SVR CV60, SVR CV50, cao su tái sinh, cao su hỗn hợp.
Tại thị trường thế giới, theo Bộ Công Thương giá cao su tại thị trường châu Á có xu hướng tăng so với tháng 7/2020, nguyên nhân là do được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc và thị trường kì vọng chính phủ Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế.
Ngoài ra, mưa lớn tại nhiều bang trồng cao su của Ấn Độ khiến hoạt động khai thác mủ gián đoạn cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su.
Đồng thời, kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi khi chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 7/2020 đạt 51,1 điểm. Kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020. Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết khoảng 72% doanh nghiệp báo cáo có tăng trưởng trong tháng 7/2020.
Diệu Thu