Dự kiến xây khu tái định cư rộng 5ha phía hạ lưu thôn Làng Nủ Thống kê thiệt hại do bão số 3 mới nhất Tận cùng nỗi đau ở thôn Làng Nủ |
Vì nghĩa đồng bào không thể đong đếm! |
Rưng rưng nghĩa đồng bào
Anh Nguyễn Tiến Hồng - một tài xế xe ba gác dành tiền cả một tuần chạy xe, đồng thời gom hết những đồng tiền lẻ trong túi, được tổng cộng 1,4 triệu đồng gởi đồng bào miền Bắc ảnh hưởng bởi bão lũ.
Hình ảnh học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM ôm heo đất mà các em đã tiết kiệm từ lâu để ủng hộ, cùng với nhiều em khác vất vả mang các thùng mì, bánh, sữa, tập vở để đóng góp cho bạn bè và bà con vùng bão lũ đã khiến các thầy cô xúc động sâu sắc.
Cụ bà tên Hồ Thị Miêu, 102 tuổi (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong khu vực, cụ đã quyết định dùng số tiền ít ỏi mà mình dành dụm được để giúp đỡ đồng bào miền Bắc.
Cụ bà Đào Thị Biên, 84 tuổi (quận Lê Chân, Hải Phòng) một mình đi bộ từ nhà đến Ủy ban nhân dân phường để quyên góp tiền ủng hộ người dân bị thiệt hại nặng nề do bão lũ đã khiến mọi người cảm động sâu sắc. Điều đáng trân trọng là số tiền 4.000.000 đồng mà cụ bà đóng góp cho đồng bào gặp khó khăn chính là khoản tiền tiết kiệm từ trợ cấp xã hội dành cho người từ 80 tuổi trở lên mà cụ đang nhận.
Bà con xóm đò chùa Hương mang thuyền đến vùng lũ dữ. Một hãng hàng không thông báo ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu hỗ trợ ra miền Bắc. Tất nhiên hoàn toàn miễn phí.
Trong khi đội SOS Đà Nẵng có mặt tại Đồ Sơn (Hải Phòng) để hỗ trợ người dân, lại được yêu cầu di chuyển đến Yên Bái, Thái Nguyên, và Lào Cai để giúp đỡ.
Người dân miền Trung, với tinh thần nhiệt huyết, đã nấu bánh chưng, làm muối vừng và gửi cá khô cho bà con miền Bắc, bởi vì ở đó, đồng bào đang rất cần sự hỗ trợ của họ.
Một vị giáo sư đáng kính (76 tuổi, TP.HCM) chạy chiếc xe máy cũ mang sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng - để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách nhiều năm qua gửi ra Bắc. Ông nói: "Có thể 1 tỉ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu".
Bác sĩ Trung bán chiếc xe hơn 3 tỷ để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Bắc. |
Bác sĩ Trần Ngọc Trung công tác tại TP.HCM, đã bán đi chiếc xe ô tô trị giá 3 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Bắc đang bị thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các em nhỏ mồ côi.
Biết được sự khó khăn của bà con Yên Bái sau khi thiên tai đi qua, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ chuỗi cửa hàng sửa xe máy 247) cùng các nhân viên từ Hà Nội lên sửa chữa xe miễn phí cho bà con sau lũ.
Tất cả những hành động đó đều khiến chúng ta rưng rưng như nhau. Vì nghĩa đồng bào không thể đong đếm.
Nghĩa đồng bào trường tồn bất diệt
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào không chỉ là lý tưởng, mà còn là thực tế hiển hiện trong từng hành động sẻ chia, trong từng ánh mắt cảm thông và những đôi tay nắm chặt nhau khi đối mặt với khó khăn. Nó là sợi dây vô hình nhưng mạnh mẽ, gắn kết những con người cùng chung dòng máu, cùng chung một nền văn hóa và lịch sử hào hùng.
Trước những hành động chung tay vì đồng bào miền Bắc sau cơn bão số 3, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ xúc động chia sẻ: Trong sự đau thương của đồng bào, người Việt Nam luôn muốn chung tay để giúp đỡ. Tính cộng đồng đó ở người Việt hiện nay rất đậm đà, nó mang đậm dấu vết của những quan hệ quê hương, quan hệ làng xã, quan hệ đồng cộng. Đó cũng là nền tảng rất bền vững khi chúng ta tồn tại ở cộng đồng.
Cái thế giới ấy, mọi tôn giáo, lý thuyết, văn hóa, người ta rất đề cao tính thực hiện và họ coi đó là giá trị đặc biệt. Giá trị của tấm lòng từ thiện được đánh giá rất cao và nó trở thành gốc gác. Phật giáo rất đề cao tính từ tâm, từ thiện, từ bi của con người. Nó cũng trở thành tinh thần chung của người dân Việt Nam. Một đất nước, điều kiện tự nhiên và khoáng sản không ưu đãi, nhiều thiên tai, nhiều bão lũ, cái gì cũng có một ít thì tinh thần “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách” đã trở thành vốn sống, đó là một truyền thống tốt đẹp, rất đáng được gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Đoàn thiện nguyện trao quà cho bà con thôn Làng Nủ. |
Chứng kiến những hành động đồng bào dành cho nhau sau cơn bão số 3, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang - Chuyên gia nghiên cứu về văn hoá, giới tự hào cho biết: Một trong những niềm tự hào của dân tộc ta đó là truyền thống đoàn kết, nhân ái, tình yêu đất nước, yêu quê hương sâu sắc. Truyền thống đó tạo nên sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi cuộc xâm lược của ngoại xâm, vượt qua bao nhiêu thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt.
Trận bão lũ vừa qua đã một lần nữa chứng minh truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta. Bão YaGi đổ bộ ở miền bắc, với sự càn quét khốc liệt, rất nhiều người đã thiệt mạng, nhiều ruộng vường, nhà cửa đã bị tan hoang. Nếu như những năm qua, người dân cả nước đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ hướng về “khúc ruột miền trung” khắc phục hậu quả, thì năm nay, những người dân miền Trung nghe tin bão lũ ngay lập tức lên đường để hỗ trợ ngược lên phía bắc. Có những nơi bà con thức đêm gói bánh Chưng Bánh Tét gửi đồng bào nới gặp lũ, vì biết rằng, bão lũ thì đồng bào mình đói lắm lại chẳng thể nấu nướng được, cũng giống như mình trước kia. Tôi nghĩ, trải qua mất mát, thiên tai, hơn ai hết người ta cảm nhận được nỗi đau, sự xót xa của những người cùng cảnh ngộ, đúng với câu nói “thương người như thể thương thân”. Là một đất nước trải qua chiến tranh, đau thương do thiên tai, bão lũ, người dân Việt Nam vì thế có sự đồng cảm và thương yêu nhau sâu sắc từ trong tâm thức. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, càng làm nổi bật nghĩa đồng bào, lòng nhân ái của con người Việt Nam.
Sự kiện về “thuỷ quân lục chiến” chùa Hương lên đường tới giải cứu vùng ngập lụt, với tôi là một hình ảnh thật đẹp, tiêu biểu cho nghĩa đồng bào. Những người dân chùa Hương, ngày thường là bàn tay cấy tay cầy, trồng trọt, buôn ban mưu sinh, mùa lễ hội thì bàn tay dẻo dai chèo đò chở khách, khi đất nước cần, khi biết đồng bào mình gặp khó khăn, sẵn sàng lên đường để hỗ trợ. Chuyến đi này không nhẹ nhàng thư thả như khi chèo thuyền trên dòng suối Yến, mà rất nặng tình, nặng nghĩa, nặng trách nhiệm công dân, nặng tình người, nặng tình dân tộc. Một sức nặng mà không chỉ đoàn “thuỷ quân lục chiến Chùa Hương” sẵn sàng “giành” phần gánh, mà nhân dân cả nước chung sức đồng lòng chung tay hỗ trợ. Số tiền ủng hộ bão lũ về mặt trận tổ quốc, những đoàn cứu trợ lũ lượt lên đường, người người nhà nhà là đầu mối, là chiến sĩ trên mặt trận khắc phục hỗ trợ đồng bào. Bên cạnh đó, những câu chuyện cảm động về tình người khi tài xế sẵn sàng trút sạch túi được 1,4 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bão lũ, câu chuyện Thầy giáo, giáo sư sống một mình rút cuốn sổ tiết kiệm dưỡng già 1 tỷ ủng hộ người dân bão lũ và những em nhỏ đập heo gửi tiền ủng hộ ra Bắc là minh chứng đầy xúc động, cũng đầy tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, về truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cách giáo dục truyền thống tương thân tương ái đầy hữu hiệu qua những tấm gương, qua những hành động cụ thể cho thế hệ trẻ.
Tinh thần đoàn kết đồng lòng qua hành động “ủng hộ” những “người đi ủng hộ” thể hiện qua việc những quán ăn ven đường sẵn sàng miễn phí cho các đoàn đi cứu trợ, những người dân ven đường tập hợp nấu ăn mời những đoàn cứu trợ, đặc biệt là đội cảnh sát giao thông Quảng Ngãi cũng tổ chức mời cơm những đoàn cứu trợ miền Bắc đã thể hiện tinh thần nhân ái, đoàn kết này.
“Khi chia sẻ những dòng cảm xúc này tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc và xúc động khi được là một người Việt Nam, được sống ở một đất nước có những con người biết bảo vệ, giữ gìn và xây dựng quê hương, một đất nước mà con người sống với nhau nhân ái, đoàn kết, sẵn sàng tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau.
Một đất nước mà khi người dân gặp thiên tai bão lũ, người dân đồng tâm hợp lực hướng về đồng bào mình, nghe tin cơn bão mà thắt lòng, ăn miếng cơm còn thấy lòng nghẹn lại. Tất cả chỉ tập trung chăm chút gửi nhân lực, vật lực hỗ trợ miền bão lũ. Là một công dân của một dân tộc như vậy, thật đáng tự hào biết bao!”, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang nghẹn ngào nói.
Tỉnh Đắk Nông hướng về miền Bắc. |
Trong thư gửi tới cơ quan báo chí, Ray Kuschert, một người Úc sống ở TP.HCM hơn 10 năm đã phải thốt lên “Tôi khâm phục tinh thần và sự kiên cường không khuất phục trước bão dông của các bạn”.
Trong những lúc tưởng chừng khó khăn nhất, tôi thấy được mọi người, với tinh thần cộng đồng và lòng nhân ái, cùng nhau chống lại bão tố.
Người người chung tay, cộng đồng tạm gác công việc để giúp đỡ đồng bào mình, và có những người liều mạng để cứu một người xa lạ.
“Đây chính là nét văn hóa Việt Nam mà tôi vô cùng ngưỡng mộ” Ray Kuschert khẳng định.
Ray Kuschert viết tiếp: Tôi thấy tự hào khi mình được là một phần của cộng đồng và nền văn hóa này, nơi người ta luôn quan tâm, âm thầm hỗ trợ nhau qua hoạn nạn.
Tôi biết rằng trong vài tuần tới, có thể sẽ còn nhiều câu chuyện buồn, nhưng cũng sẽ có những câu chuyện về sự kiên cường và chiến thắng những điều tưởng chừng không thể vượt qua. Đó chính là Việt Nam mà tôi vạn phần yêu thương.
Trong bài thơ Nhớ sông quê hương, nhà thơ Tế Hanh có viết. Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không ghềnh thác nào ngăn cản được. Đúng như thế, có thể rằng, cuộc sống thường ngày với nỗi lo cơm áo, gạo tiền sẽ cuốn chúng ta theo nhịp điệu của cuộc sống hối hả. Nhưng khi đất nước gặp khó khăn, cả dân tộc lại chung một nỗi lo, triệu triệu trái tim hoà cùng một nhịp, để tạo nên sức mạnh cộng hưởng vượt qua thử thách.