Nhừng lời yêu thương, niềm hi vọng của các em học sinh dành cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn, chưa có cơ hội đón một mùa trăng trọn vẹn đã được gửi gắm trong các bức thư nhỏ xinh. |
Trong bức thư gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có viết: “Trung Thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cưới đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua cơn đau thương, mất mát này.
Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Bác dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi. Hãy tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè.”
Hướng về đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn hình thức phù hợp. Dù không có các chương trình văn hóa, văn nghệ, múa lân, rước đèn rộn ràng hay các trò chơi dân gian như các mùa trăng trước, nhưng các bạn nhỏ vẫn cảm thấy ấm áp khi lan tỏa được tình yêu thương, những lời động viên tới các em trên vùng cao.
Tại nhiều trường học trên cả nước cũng đã điều chỉnh kế hoạch đón Trung thu. Các hoạt động vui chơi của trẻ em được giảm bớt, thay vào đó là những món quà nhỏ nhưng chan chứa tình cảm được gửi đến các em vùng bị ảnh hưởng. Đây là bài học thiết thực, là bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự sẻ chia với tinh thần “Tương thân, tương ái: của người Việt Nam trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Trường Tiểu học, THCS, THPT Đoàn Thị Điểm (Quảng Ninh), năm nay không tổ chức Trung thu và thay vào đó là chương trình với chủ đề "Vầng trăng yêu thương" nhằm giáo dục tinh thần sẻ chia với những khó khăn của địa phương và các tỉnh thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ để rất cả trẻ em đều được đón Trung thu trong niềm vui và an toàn.
Đồng thời tuyên truyền thông điệp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
Trong khuôn khổ diễn ra chương trình có hoạt động viết "Điều ước dưới trăng" để chia sẻ cảm nghĩ của các con về một mùa Trung thu đặc biệt và gửi gắm những lời yêu thương, niềm hy vọng dành cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn, chưa có cơ hội đón một mùa trăng trọn vẹn.
Tại trường Tiểu học & THCS Hà Nội Thăng Long (Hà Nội) chương trình “Trung thu lan tỏa - Ấm tình vùng lũ”không chỉ giúp các em hiểu rõ về sự khắc nghiệt của thiên tai mà còn cảm nhận được nỗi đau mà các bạn học sinh tại vùng lũ đang trải qua. Đây là cơ hội để giáo dục các em về lòng trắc ẩn và ý nghĩa của việc giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn.
Trường Tiểu học & THCS Hà Nội Thăng Long tổ chức chương trình “Trung thu lan tỏa - Ấm tình vùng lũ”. |
Bên cạnh hành động quyên góp, mà các em có thể gửi đi những món quà tinh thần, như những lá thư động viên, những đồ handmade tự làm để đấu giá gây quỹ, hay đơn giản là những lời chúc tốt đẹp gửi đến các bạn vùng lũ.
Những lá thư tay đầy cảm xúc, chan chứa tình cảm từ các em học sinh cũng chính là những lời mà thầy trò nhà trường muốn gửi đến đồng bào miền lũ. Với mong muốn các bạn nhỏ và gia đình sẽ sớm vượt qua những mất mát, đau thương để nhanh chóng trở về với cuộc sống thường nhật.
Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã thay đổi kế hoạch tổ chức Trung thu năm nay và dành toàn số tiền dự kiến tổ chức chương trình Trung thu cùng với số tiền tự nguyện đóng góp của Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên và học sinh, để gửi tới 61 học sinh người dân tộc Mông và dân tộc Pà Thẻn khó khăn nhất của trường Bán Trú Tiểu học & THCS Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.