![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc |
Báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy quản lý về công tác dân tộc; chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;…
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Trong đó quy định cụ thể về số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số.
Hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức. Cùng với đó ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là nữ, trẻ và ưu tiên về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Đồng thời tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, các địa phương chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 402/QĐ-Ttg phê duyệt “Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” với một số nhiệm vụ, giải pháp như nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành một số Nghị định để triển khai luật, trong đó đã lồng ghép quy định các nội dung mang tính đặc thù, ưu tiên về tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức đối người dân tộc thiểu số.
Ngoài việc ban hành các văn bản hoàn thiện hệ thống chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, Bộ Nội vụ cũng tiếp tục thực hiện các chính sách liên quan đến công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 52/NQ-CP, Quyết định số 402/QĐ-Ttg và Quyết định số 771/QĐ-Ttg, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó có nội dung liên quan đến hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tiếp tục được lồng ghép vào các dự án, nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 12/NQ-CP, Quyết định số 1719/QĐ-Ttg và đã được phân công tổ chức triển khai cụ thể trong từng giai đoạn, bảo đảm kế thừa và phát huy hết các kết quả đạt được trong việc triển khai các nhiệm vụ. Hàng năm, Bộ Nội vụ cũng hỗ trợ, phối hợp với các địa phương tổ chức biên soạn, chỉnh lý, hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đồng thời biên soạn, ban hành các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tại điểm 3 Khoản 12 Điều 1 của Nghị định nêu rõ, “Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc"./.