Cơ sở tính toán sản lượng xăng dầu giao cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, và mua năm sau được tính toán dựa trên số thực hiện năm nay (20,7 triệu m3, tấn xăng dầu) và 1,3-1,4 lần mục tiêu GDP năm 2023 (6,5%).
Theo phương án 1, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải nhập, mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước khoảng 25,9 triệu m3, tấn, tăng 10% so với năm 2022. Phương án hai là gần 26,76 triệu m3, tấn, tăng 15% so với 2022. Sản lượng này được phân bổ từng tháng, quý.
Tại cuộc họp về việc này ngày 21/11, các doanh nghiệp được giao cho rằng, kế hoạch phân giao cần bình đẳng vì "đã là đầu mối thì trách nhiệm như nhau", và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, khả năng cung ứng thị trường.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm, từng doanh nghiệp phải có và đạt sản lượng nhập theo phân giao, đơn vị nào không đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập, mua hàng... đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính.
“Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, sẽ thống nhất quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bằng công nghệ số, do Bộ Công Thương chủ trì. Dự kiến tháng 12 sẽ có buổi tập huấn thống nhất việc ứng dụng phần mềm quản lý xăng dầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của Bộ Công Thương gồm nguồn nhập khẩu và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. Các doanh nghiệp được yêu cầu có phương án nhập, mua hàng bù đắp trong trường hợp hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn bảo dưỡng, bảo trì...
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, cơ quan này phân giao cho 36 doanh nghiệp đầu mối hơn 20,72 triệu m3, tấn xăng dầu. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt cuối quý I do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, buộc cơ quan này giao sản lượng nhập khẩu tăng thêm khoảng 2,4 triệu m3, tấn cho các doanh nghiệp.
Thị trường trong nước tiếp tục xáo trộn, thiếu hàng cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương, như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... trong quý II và III. Nhiều lý do được Bộ Công Thương đưa ra, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải nhập hàng lúc giá cao, bán ra giá thấp và chi phí kinh doanh chưa kịp điều chỉnh... khiến họ bị lỗ. Việc này dẫn tới tình trạng đầu mối xăng dầu cắt giảm chiết khấu (mức trích lại dành cho thương nhân phân phối, bán lẻ) và giảm lượng hàng bán ra.
9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhập, mua được gần 17,3 triệu m3, tấn, tương đương hơn 83% kế hoạch Bộ giao. Quý IV, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn xăng dầu tối thiếu, gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước... cho các doanh nghiệp đầu mối là 5,5 triệu m3, tấn. Trong đó, 57% trong số này là dầu diesel (khoảng 3,13 triệu m3, tấn), xăng chiếm 41% (2,24 triệu m3, tấn), còn lại là dầu mazut, dầu hoả.
Không để doanh nghiệp xăng dầu "đói vốn" |
Điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu |
Nhà máy lọc dầu Dung Quất duy trì ổn định 112% công suất |