Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Bùi |
Củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu
Tổng Bí thư khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.
Đồng thời, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự tham gia tích cực từ người lao động và toàn thể người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh.
Công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúc mừng và biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng và những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia.
Đó là việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc…
Trên tinh thần của Nghị quyết số 57, được ví như với "Khoán 10" trong nông nghiệp, Tổng Bí thư gợi mở, trong giai đoạn tới, ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
7 nhiệm vụ trọng tâm của công nghệ số
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Chỉ ra những hạn chế của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số:
Thứ nhất, phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, lấy đó làm căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược; làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số, nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, khơi nguồn nhân tài, thu hút chuyên gia công nghệ cao; tăng cường chính sách thu hút, môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.
Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ; thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thứ năm, phát triển kinh tế số và xã hội số, các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.
Thứ sáu, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế; phải đặt ra mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng.
Thứ bảy, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam; tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đồng lòng, quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần thấy đây không chỉ là cơ hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể, dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết 57.
Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà, tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Trước đây, Việt Nam chủ yếu ứng dụng, gia công, thì nay phải làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo sản phẩm, muốn vậy phải làm chủ các công nghệ chiến lược để phát triển bền vững. Nghị quyết số 57 giao các doanh nghiệp nòng cốt thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là mũi tên trúng hai đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.