Trình UBTVQH Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn Bộ Tài chính nêu giải pháp “hạ nhiệt” giá xăng dầu Giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường |
Xuất phát từ tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần ban hành Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Riêng Khóa XV đã có 2 nghị quyết, đó là Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay.
Tại thời điểm giá xăng dầu tăng cao đỉnh điểm vào tháng 3/2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và ban hành Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và có hiệu lực từ 1/4. Tuy nhiên đến nay, giá bán lẻ xăng dầu không giảm mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp tăng. Do đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm đến hết mức sàn theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với đề xuất lần này của Chính phủ trong nỗ lực giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến công tác điều hành giá xăng dầu, xem xét các chính sách thuế khác bởi đến nay việc điều chỉnh thuế nhằm giảm giá xăng dầu mới chỉ được thực hiện ở thuế bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp, |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tính chất quan trọng cần phải bảo đảm cả hai yếu tố là nguồn cung và bình ổn giá. Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi có biến động giá có thể xem xét để cắt giảm một số loại thuế. Trong đó thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ngoài ra còn có thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Phân tích thêm về thuế nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay thuế nhập khẩu có hai loại. Một là thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thuế hiện hành đối với các cam kết hiệp định này, xăng là 8% và dầu là 0%. Đến ngày 1/1/2023 xăng chỉ còn 5%, dầu vẫn là 0%. Đến ngày 1/1/2024, là thời điểm cuối cùng theo các cam kết này thì cả xăng và dầu đều về 0%. Khi đó, trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu sẽ tự động giảm. Đến năm 2024, trong công thức cơ sở để tính giá xăng dầu không còn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nữa.
Hai là thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN). Hiện nay là xăng, dầu, diesel là 20% và dầu hỏa, nhiên liệu bay là 7%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc giữ mức thuế này cần được cân nhắc, xem xét lại.
“Hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến về nghị định quy định nội dung này nên tiến hành sớm để thực hiện sớm để có tính toán phù hợp với việc thực hiện các cam kết quốc tế. Từ nay đến cuối năm cũng như từ ngày 1/1/ 2023 trở đi còn nhiều dư địa để tính toán cả về thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo cam kết FTA và thuế nhập khẩu ưu đãi FMN”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp |
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong Nghị quyết chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương có đưa ra vấn đề về cấu thành giá xăng dầu, ngoài thuế phí ra còn các chi phí khác, chi phí định mức tiêu hao. Do đó, Chính phủ cũng phải cân nhắc để xem các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu để có chính sách điều hành và tiếp tục giảm giá xăng dầu xuống.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài bày tỏ mặc dù mức giảm thuế bảo vệ môi trường đã ở mức kịch khung nhưng nếu như giảm ở mức này cũng là mức rất thấp so với mức tăng của giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, Do đó, khó khăn cho nền kinh tế cũng như đặc biệt tác động đến người dân vẫn còn rất lớn.
Cho rằng dư địa chính sách vẫn còn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài mong muốn các cơ quan Chính phủ, các cơ quan liên quan quan tâm tiếp tục nghiên cứu sâu thêm, quan tâm đến các chính sách khác để chuẩn bị dư địa chính sách cho việc điều chỉnh để kiểm soát tăng giá xăng dầu trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm |
Báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dư địa để giảm giá xăng dầu hiện nay liên quan tới một số luật thuế gồm rhuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thuế xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ; thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trong thuế nhập khẩu xăng dầu có 2 loại là thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định song phương và thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN). Trong đó, thuế ưu đãi đặc biệt chủ yếu áp dụng nhập khẩu từ Hàn Quốc và trong ASEAN. Đối với MFN là đối với thị trường Mỹ, Trung Quốc và Pháp nhưng không nhập khẩu nhiều.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cề cơ bản, các mức thuế sẽ giảm bằng với mức đối với thị trường mậu dịch tự là ASEAN và Hàn Quốc theo các cam kết.
Đối với MFN, Bộ Tài chính sẽ trình nhưng tính toán kỹ, song, hiện nay mức thuế này chưa có tác động nhiều đến giá do tỷ lệ nhập thấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và cũng cam kết sẽ trình Chính phủ giảm trong tháng 8 tới. Theo đó, sẽ rà soát lại tất cả những dòng thuế trong xuất nhập khẩu không chỉ riêng mặt hàng xăng, dầu mà còn các mặt hàng khác để bảo đảm đồng bộ, bài bản.
Liên quan đến thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt là những loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo của Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi song cũng cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm trình và có tính toán tác động với phần thu ngân sách. Mục tiêu của Chính phủ trình sớm nhất có thể để kiểm soát được lạm phát cũng như tạo điều kiện để phục hồi phát triển kinh tế và giảm bớt khó khăn cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp |
Trong kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu.
Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu ý Chính phủ cần chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn./.