|
Dù chỉ được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm: Viên họng ICHI và Viên sủi ICHI là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) nhưng hiện nay Viên sủi ICHI lại đang được quảng cáo và bán rầm rộ trên các website, mạng xã hội, nhà thuốc, sàn thương mại điện tử với những công dụng "thần kì" như: Làm lành niêm mạc họng bị tổn thương, ngăn ngừa tái phát trở lại, hết ho, tiêu đờm, không còn vướng víu như hóc xương cá, thoải mái ăn uống, hát hò, nhậu nhẹt, … Những nội dung này dễ gây hiểu nhầm, khiến người tiêu dùng tin rằng TPCN/TPBVSK có tác dụng như thuốc và sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm.
Cụ thể, tại website https://www.suiichi.com/, https://www.viemhongichi.com/ đang dùng những lời "có cánh" để quảng cáo cho sản phẩm viên sủi ICHI như: Viên sủi ICHI là sản phẩm số 1 Việt Nam trong hỗ trợ điều trị viêm họng theo công nghệ Nhật Bản; chiết xuất 100% tự nhiên; Viên sủi ICHI thực sự đáng được xem là thành tựu thành công nhất cho người bệnh viêm họng trong y học hiện đại vừa có tính an toàn vừa hiệu quả bền vững, …
Theo Điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 của Quốc hội thì một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” (theo Khoản 11).
Còn căn cứ Khoản 3, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thì việc quảng cáo của đơn vị kinh doanh này đang có dấu hiệu không đúng với quy định của luật pháp.
Những chia sẻ của khách hàng đã sử dụng sản phẩm ICHI |
Đáng nói, một số website, mạng xã hội, nhà thuốc, sàn thương mại điện tử còn sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, nhằm tăng độ tin cậy cho sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm viên sủi ICHI.
Điển hình là hình ảnh nghệ sĩ Chí Trung bị một số cơ sở kinh doanh sử dụng chia sẻ thông tin như thuốc chữa bệnh của nghệ sĩ. Đây là một trong những hành động lừa dối người tiêu dùng bởi sản phẩm viên sủi ICHI chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không có công dụng chữa trị bệnh.
Bên cạnh đó, một số website, mạng xã hội, nhà thuốc, sàn thương mại điện tử còn sử dụng hình ảnh của các y bác sĩ để thực hiện mục đích quảng cáo của mình. Điển hình là hình ảnh của TS. BS Lê Văn Giáp - Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện 198 Bộ Công an và TTƯT, Đại tá. BS Phạm Hòa Lan - nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thuốc, Trang thiết bị Y tế – Cục Quân y – Bộ Quốc phòng, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quang Đạt - Đại Học Y Hà Nội.
Được biết, sản phẩm Viên sủi ICHI do Công ty cổ phần BIGFA sản xuất và được Công ty TNHH phát triển Tân Hoàng Long phân phối.
Cả hai sản phẩm Viên họng ICHI và Viên sủi ICHI chỉ thuộc dòng sản phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Thế nhưng các website, mạng xã hội, nhà thuốc, sàn thương mại điện từ lại vô tư "thổi phồng" công dụng của sản phẩm viên sủi ICHI như thuốc chữa bệnh.
Giấy tiếp nhận đăng kí công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi ICHI và Viên họng ICHI. |
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đau họng là một trong những triệu chứng ban đầu của người nhiễm bệnh. "Có bệnh thì vái từ phương", nên nhiều người tiêu dùng sẽ có tâm lý nhẹ dạ cả tin sử dụng sản phẩm nhằm thuyên giảm các triệu chứng ban đầu của bệnh
Nắm bắt được tâm lý lo sợ của người tiêu dùng, một số cơ sở kinh doanh đã liên tục sử dụng những câu từ gây cảm giác sợ hãi, lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng như: “Những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm họng thường nhẹ và dễ bị bỏ qua, đến khi khám và phát hiện ra thì đã bị biến chứng nặng nề” ...Những từ ngữ này được đăng tải kèm theo quảng cáo sản phẩm TPBVSK vô hình khiến người tiêu dùng có các triệu chứng liên quan đến đường họng càng lo sợ hơn và sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm.
Trước thực trạng “bát nháo” quảng cáo TPCN/TPBVSK, đặc biệt là sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng với xã hội để quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1504/BYT-ATTP về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định; có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter…, các nền tảng quảng cáo trên google như Youtube, Coccoc, Chrome… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.
Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cố tình thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo TTPCN/TPBVSK như thuốc chữa bệnh không chỉ vi phạm pháp luật, mà nó còn là về mặt đạo đức, là tội ác với người bệnh. Cục an toàn thực phẩm cũng lưu ý, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, "bắt bệnh" và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. |