Mức tiêu thụ ô tô sụt giảm do người tiêu dùng chờ sự thay đổi về chính sách thuế.
Khảo sát các đại lý ô tô tại thị trường Hà Nội cho thấy, khách đến tìm hiểu, mua xe thưa thớt. Anh Trần Tiến Đạt, nhân viên showroom Hyundai Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) cho biết, có lẽ do dịch Covid-19 nên nhiều người ngần ngại đi xem xe lúc này. Khách đến xem thưa vắng, dù để kích cầu, nhiều hãng đã đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn nhưng cũng không khởi sắc là bao.
Minh chứng cho điều này, anh Đạt thông tin thêm, hiện nay các hãng xe đã “chạy” nhiều chương trình hấp dẫn, như với hãng Toyota, xe Innova, Fortuner sẽ được giảm giá trực tiếp 70-100 triệu đồng, tùy phiên bản. Ô tô Hyundai, mẫu SUV Santafe cả hai phiên bản máy dầu và xăng đều giảm giá 40 triệu đồng/chiếc, còn mẫu Kona giảm 50 triệu đồng... Các đại lý của Honda cũng đang khuyến mãi nhiều mẫu xe, như CR-V giảm 50 triệu, HR-V giảm 80 triệu đồng…, nhưng lượng tiêu thụ vẫn chậm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Hoàn, phụ trách gara ô tô Việt Tín, trên đường Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) cũng nêu nhận xét, những tháng đầu năm được xem là mùa thấp điểm của thị trường ô tô, nhưng năm nay còn ảm đạm hơn những năm trước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2020, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 4.000 xe ô tô, giảm đến 2.600 xe ô tô so với tháng 12-2019. Còn Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, lượng xe nhập khẩu trong nhiều tháng qua giảm liên tục. Cụ thể, tháng 10-2019 nhập khẩu 16.000 xe, sang tháng 11-2019 còn 11.700 xe và tháng 12-2019 chỉ 6.600 xe.
Cũng theo VAMA, tháng 1-2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 15.787 xe, giảm 52% so với tháng 12-2019 và giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ xe cả nhập khẩu và lắp ráp cũng đi xuống. Cụ thể, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 9.599 xe, giảm 51% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.188 xe, giảm 54%. Tương tự, lượng xe tiêu thụ trong tháng 2 cũng không nhiều.
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho rằng, các hãng xe đều kỳ vọng có sức tăng trưởng cao trong năm 2019. Do đó, các hãng đã có kế hoạch gia tăng sản xuất cũng như nhập khẩu. Tuy nhiên, năm qua mức tăng trưởng thực lại quá thấp so với kỳ vọng dẫn đến tồn kho quá lớn, buộc các hãng, nhà phân phối phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức, trong đó có giảm giá.
Theo nhiều doanh nghiệp phân phối xe ô tô, nguyên nhân lượng xe nhập về giảm liên tục, ngoài mức tiêu thụ giảm còn do chính sách sắp tới có thể thay đổi nhiều. Hiện tại, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để thông qua nghị định sửa đổi thuế suất nhập khẩu linh kiện theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ. Nếu được thông qua, xe lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội giảm giá mạnh, sẽ tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Tuy thị trường ô tô đầu năm 2020 ảm đạm, song nhìn nhận về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có những đánh giá tích cực. Ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký VAMA cho rằng, thị trường ô tô và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng và sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng cả cung lẫn cầu thời gian tới; đồng thời doanh nghiệp đã thu hẹp dải sản phẩm nhập khẩu, mà thay vào đó là tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, lắp ráp trong nước… Cùng quan điểm này, ông Laurent Genet, đại diện Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam cho biết, các chính sách đối với ngành ô tô đã có những dịch chuyển tiến bộ hơn, mang đến những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy sự đầu tư vào các dây chuyền lắp ráp xe cũng như lành mạnh hóa thị trường nhập khẩu.
Còn dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá mạnh cả về lượng và chất trong vài năm gần đây, đồng thời đã khẳng định được vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước. Những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chắc chắn thời gian tới ngành công nghiệp ô tô sẽ bứt phá vì tiềm năng và thế mạnh còn nhiều.
Theo Hà Nội Mới