Sáng 4/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Tham vấn về Chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư trong giai đoạn mới”.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn và các Bộ ngành liên quan; các doanh nghiệp, hiệp hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học...
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được Quốc hội khóa XII tại Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009 (thay thế cho Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần. Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế số…), qua triển khai thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025.
Việc Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức Hội thảo với nội dung tham vấn tập trung vào các vấn đề về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để thu hút đầu tư trong giai đoạn mới. Các ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan, các chuyên gia nhà khoa học, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là tư liệu quý báu, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm phục vụ công tác thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 trước khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các Bộ ngành, cơ quan, đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận vào các nội dung: Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới; Một số thách thức và cơ hội dành cho Việt Nam khi cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp; Doanh nghiệp FDI đề xuất những ưu đãi về thuế; Kinh nghiệm của một số quốc gia đang áp dụng ưu đãi thuế và cải thiện môi trường đầu tư...
Góp ý cho dự thảo, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng, không làm hệ thống thuế phức tạp thêm. Một số ý kiến đề nghị áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% (với 3 bậc thuế suất là 20%, 17% và 15%), đặc biệt cần cải cách thủ tục xin được ưu đãi thuế.
Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế có trường hợp doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh, song lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án đó (doanh nghiệp vẫn có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác).
Trong những trường hợp như vậy, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro. Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, quy định “khoản chi không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành” có thể hiểu rất rộng (dẫn đến loại trừ nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp khi tính thu nhập chịu thuế), cần được làm rõ.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 3-6-2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2009 (thay thế cho Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần.