![]() |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. |
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị quyết số 07/2021/UBTVQH15 ngày 25/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, tiếp thu ý kiến cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Thông báo kết luận số 908/TB-TTKQH ngày 21/4/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, kèm theo đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tờ trình Chính phủ gồm 4 phần: Sự cần thiết xây dựng Luật; Mục tiêu, quan điểm và yêu cầu xây dựng Luật; Quá trình xây dựng Luật; Bố cục và nội dung cơ bản của dự án Luật.
Mục tiêu của Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.
Quan điểm của Luật là nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Ngoài ra, dự án Luật còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đề cập phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự án với những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan.
![]() |
Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. |
Cũng tại Phiên họp, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án, tính hợp hiến, hợp pháp của dự án Luật về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP).
Về giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng (sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện), có ý kiến cho rằng, băng tần di động là đầu vào thiết yếu để doanh nghiệp thông tin di động triển khai mạng lưới, kinh doanh và cung cấp dịch vụ viễn thông. Việc giới hạn này có thể ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng mạng di động, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban nhận thấy, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.
Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần phải quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện. Quy định này cũng được nhiều nước áp dụng.
Về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc dự án Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành (khoản 1 Điều 18). Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. |
Về phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (khoản 2 Điều 18), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng. Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong dự án Luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển. Ngoài ra, quy định “Băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất” là không rõ ràng, khó hiểu. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ và nghiên cứu chỉnh sửa lại quy định này.
Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt (bổ sung khoản 4 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện): Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện được bổ sung khoản 4 như sau: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.
Về vấn đề này, một số ý kiến tán thành bổ sung khoản 4 Điều 45 trong dự án Luật vì cho rằng đây là quy định mới được bổ sung trong quá trình xây dựng dự án Luật này để nâng cao hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện; khi có yêu cầu, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là hợp lý.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện. Trước mắt, chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật vì một số lý do sau:
Thứ nhất: Khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước;
Thứ hai: Việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế;
Thứ ba: Báo cáo đánh giá tác động về chính sách căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội làm cơ sở đề xuất việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là không phù hợp, vì Nghị quyết số 132/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế và Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm.
Đề cập một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận như: Sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; Giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng; Vấn đề cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt; Những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm./.