Sáng 28/7, hai trận động đất mạnh 3,3 và 4 độ richter tiếp tục xảy ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là những dư chấn của trận động đất mạnh 5,3 độ richter xảy ra vào trưa 27/7 tại khu vực này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng phòng Địa chấn thuộc Viện Vật lý địa cầu, cho biết do động đất 5,3 độ richter ở Việt Nam là khá mạnh nên đã liên tiếp gây ra các đợt dư chấn sau đó. Chỉ trong vòng 20 giờ, khu vực này đã chịu liên tiếp 6 đợt dư chấn khác mạnh từ 3 đến 4 độ richter.
Theo các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, động đất 5,3 độ richter là trận động đất mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây tại khu vực Sơn La. Với độ lớn này, cường độ chấn động của mặt đất tác động tới nhà cửa và con người có thể lên tới cấp 7 và cấp 8 tại vùng tâm chấn.
Ông Dương nhận định dư chấn từ trận động đất này có thể còn kéo dài.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, những trận động đất liên tiếp đã làm trụ sở làm việc của UBND 3 xã thuộc huyện Mộc Châu bị lún, nứt tường, rơi vỡ mảnh trát trần nhà và nứt gãy cổ trần.
Trận động đất mạnh 5,3 độ richter cũng làm nhà văn hóa, trạm y tế và trường mầm non và 127 nhà dân của huyện Mộc Châu bị lún, nứt tường, vỡ ngói, sập trần nhựa. Đá rơi do động đất cũng làm bẹp đầu 1 xe ôtô nhưng không có thiệt hại về người.
Hình ảnh vị trí chấn tâm
Trước đó Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, chiều 27/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả động đất ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Công điện nêu rõ: Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trưa nay (ngày 27 tháng 7 năm 2020), đã xảy ra liên tiếp các trận động đất với vùng tâm chấn tại địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trong đó vào hồi 12 giờ 15 phút đã xảy ra động đất có độ lớn M = 5,3 tại tọa độ 22,83 độ vĩ Bắc, 104,65 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 14,0 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở vùng chấn tâm.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến chính quyền và nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1- UBND các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình
a) Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
b) Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Chỉ đạo kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
2- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất.
3- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
4- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi dư chấn động đất, kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
5- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời thông tin về động đất, công tác chỉ đạo ứng phó, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Linh Anh