Giá rau xanh gần một tuần nay tăng cao do thời tiết giá rét kéo dài. Ảnh: Lam Giang |
Giá hoa tươi, rau củ, trầu cau tăng cao
Trái ngược với giá thịt các loại, giá rau, củ và hoa tươi dịp này tăng cao. Anh Tô Tiến Hợp, kinh doanh rau xanh tại chợ Phú Gia, quận Tây Hồ cho biết, khoảng 1 tuần nay giá rau xanh tăng cao, nhất là su hào, súp lơ, rau gia vị. Trong đó, giá su hào là 8.000 đồng/củ so với trước là 10.000 đồng/3 củ; rau mùi có giá 90.000 đồng/kg, hành lá 40.000 đồng/kg, đều tăng gấp đôi. Cùng với đó, giá một số loại rau củ dùng nhiều cho mâm cỗ cúng ông Táo như súp lơ xanh là 17.000 đồng/kg, súp lơ trắng 15.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg, dưa chuột 18.000-20.000 đồng/kg, xà lách 15.000 – 20.000 đồng/kg... đều tăng từ 10% so với ngày thường.
Tại các chợ Hôm – Đức Viên, Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Gia Thụy (quận Long Biên), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) đều cho thấy những ngày gần đây, giá rau xanh tăng 10-40% tùy loại. Theo các tiểu thương, nguyên nhân giá rau củ tăng là do giá rét kéo dài, rau không kịp lên dù đang trong thời vụ.
Rét đậm, rét hại ở miền Bắc kéo dài mà giá hoa tươi tại các chợ đều tăng. Theo chị Lê Thị Huệ, người mang hoa từ huyện Mê Linh tới nội thành bán thì trước Rằm tháng Chạp giá hoa hồng chỉ 4.000, 5.000 đồng/bông, nay tăng lên 6.000, 8.000 đồng/bông tùy loại; giá hoa cúc đại đóa lên 6.000 thay vì giá 4.000 đồng như trước. Giá hoa lay ơn ở mức từ 80.000 đến 100.000 đồng/ 10 cành, hoa ly 4,5 tai giá 18.000 – 20.000 đồng/cành… Dịp này, giá hoa đào khá phải chăng do năm nay Tết muộn, hoa đến giai đoạn nở, trong đó cành đào nhỏ giá từ 100.000 đến 150.000 đồng, cành đào to có giá từ 200.000 đến 350.000 đồng/cành.
Mặt hàng trầu cau, món hàng không thể thiếu trong bất kỳ mâm cỗ truyền thống nào những ngày này bỗng đắt như tôm tươi.
Nếu vào ngày Rằm, mùng Một bình thường, giá trầu cau giá khoảng 5.000 - 7.000 đồng/lễ thì trong sáng này, mặt hàng này đã tăng lên 10.000 - 15.000 đồng/lễ (gồm 1 quả cau và 1 lá trầu). Còn nếu so với ngày thường thì giá đã tăng gấp ba.
Chị Nguyễn Thúy, người bán cau, trầu ở chợ Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Khách mua một quả cau thì chỉ được lấy kèm 1 lá trầu vì lá trầu đang rất hiếm. Có người trả giá 2.000 đồng/lá trầu mà tôi không dám bán vì sợ bán đi thì không đủ để kèm cau".
Người dân thắt chặt chi tiêu
Cận Tết, sức mua vẫn còn chậm. |
Mặc dù còn 1 tuần nữa là đến tết Nguyên đán, nhưng theo khảo sát tại các hệ thống bán lẻ, cho thấy sức mua vẫn còn chậm. Nhiều cơ sở bán lẻ cho rằng “có thể sẽ phải đến dịp nghỉ Tết chính thức, sức mua của người dân mới tăng trở lại”.
Sức mua sẽ tăng dịp cận tết là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc người dân thắt chặt hầu bao, chi tiêu tiết kiệm hơn so với mọi năm là điều có thể.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội), cho biết trong dịp Tết Giáp Thìn này gia đình có dự tính giảm bớt mua sắm, có thể cắt giảm khoảng 50 – 60% so với mọi năm. Chủ yếu chi cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, cắt bớt cây, hoa và những đồ trang trí khác.
Gia đình chị Nguyễn Thuỳ Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên danh sách chi tiêu khá chi tiết cho các nhu cầu tiêu dùng ngày Tết, vẫn chủ yếu là nhu yếu phẩm, các mặt hàng thiết yếu như hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm mặn… Chị Anh chia sẻ: "Ai cũng muốn có 1 cái Tết đầm ấm, đầy đủ nhưng do năm nay kinh tế có phần kém hơn nên mình chọn cách chi tiêu vừa đủ, mua các mặt hàng thiết yếu, có giá phải chăng để không bị phung phí tiền bạc".
Nhìn từ góc độ vĩ mô hơn, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng và đầu tư tư nhân (năm 2023) đều đang ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm cho thấy người dân đang thắt chặt hầu bao, có tâm lý thận trọng cả trong chi tiêu và đầu tư.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6%, là mức rất thấp so với mức 20% năm 2022. Báo cáo của công ty kiểm toán PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 cũng ghi nhận 62% người kháo sát cho biết đã buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết.
Bên cạnh chi tiêu, người dân và cả các doanh nghiệp cũng tỏ ra thận trọng hơn trong quá trình đầu tư khi nền kinh tế đang trong trạng thái khó dự báo. Tiền gửi ngân hàng đã trở thành một trong những kênh đầu tư ưa thích của họ nhằm hạn chế rủi ro và sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư mới trong năm 2024.
Tính đến cuối năm 2023, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại các ngân hàng tăng 14% so với năm 2022 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay.