Nguồn cung tăng gây áp lực giảm lên giá đường Đường nhập khẩu cao gấp 2 lần so với đường mía sản xuất trong nước VSSA yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN |
Đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm nhưng từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar lại tăng mạnh |
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm mạnh xuống còn 369.595 tấn so với 1,3 triệu tấn của năm 2020.
Trong khi đó lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN khác (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar) lên đến 864.976 tấn, tăng gấp 4 lần so với 2020.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), điều này cho thấy biện pháp áp thuế chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan tạm thời chưa phát huy được tác dụng,
Nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu đường cho tiêu dùng trực tiếp và sản xuất dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 đã giảm thấp, dẫn đến giá đường trong tháng 1/2022 giảm.
Trong tháng, sự gia tăng hiện diện dòng đường nhập lậu đã tiếp tục đẩy giá đường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía.
Các nhà máy đường đã nâng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây trong vụ ép mía 2021-2022 đang phải đối mặt với khó khăn lớn vì không tiêu thụ được đường để có tiền trả tiền mía cho nông dân.
Xuất khẩu đường (HS: 1701) của Thái Lan sang Việt Nam và một số nước ASEAN trong năm 2021 (ĐVT: tấn). Nguồn: Cơ quan Hải quan Thái Lan |
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong năm 2021 nước này đã xuất khẩu tổng cộng gần 3,6 triệu tấn đường, giảm 35,2% so với năm 2020.
Đáng chú ý, trong số các thị trường chính của Thái Lan, xuất khẩu đường sang Việt Nam giảm mạnh xuống chỉ còn 365.904 tấn trong năm 2021, giảm 71,1% so với 1,3 triệu tấn của năm 2020. Viếc bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tại Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này.
Lượng đường mà Thái Lan xuất khẩu sang Indonesia, nước nhập khẩu đường lớn nhất từ Thái Lan cũng giảm mạnh 50,2% trong năm 2021 vừa qua, chỉ đạt 1,1 triệu tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu đường của Thái Lan sang các nước ASEAN khác lại tăng như: Campuchia tăng vọt 31,9%, Lào tăng 23,2%, Malaysia tăng 10%.
Được biết, trong khối ASEAN, ngoại trừ Thái Lan xuất khẩu lượng lớn đường mỗi năm thì đa phần các nước khác đều phải nhập khẩu đường để phục vụ tiêu dùng nội địa.
Về mặt thuế quan, trong khi mức thuế mà Việt Nam áp dụng đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan là 47,64% (từ ngày 16/6/2021), từ Ấn Độ và Brazil lên đến 80 – 85% thì mức thuế Việt Nam áp dụng cho các nước ASEAN khác chỉ là 5%. Điều này dễ dẫn đến việc đường giá rẻ từ các nước có thể thông qua ASEAN để vào Việt Nam. |
Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam mở cửa thị trường đường vào năm 2020 với việc xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu và giảm thuế về 5% đối với các mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước tham gia Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN – ATIGA, không chỉ Thái Lan mà lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác vào Việt Nam đã tăng đột biến.
Đặc biệt, lượng đường từ một số nước ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia và Indonesia được đưa vào Việt Nam có xu hướng mạnh hơn kể từ sau khi đường Thái Lan bị áp thuế CBPG và CTC. Sự bất thường này đang đặt ra nghi vấn đường Thái Lan có thể né thuế sang các nước ASEAN vào Việt Nam.
Việc một số nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia và Indonesia sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường nội địa nhưng vẫn xuất khẩu lượng lớn vào Việt Nam đang thể hiện rõ sự bất thường trong nguồn gốc đường nhập khẩu của các nước trên.
Trước thực tế trên, vào tháng 8/2021 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi hồ sơ lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá.
Trước kiến nghị của VSSA, ngày 21/9 Bộ Công thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua năm nước là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Theo ước tính của VSSA các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang thu lợi bất chính đồng thời đang làm thất thu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với giá trị lớn.
Tính toán khối lượng nhập lậu đường có xuất xứ Thái Lan khoảng 500.000 tấn với giá xuất khẩu bình quân 471 USD/tấn, Nhà nước Việt Nam đã thất thu thuế (47,64%) giá trị khoảng 112.000.000 USD, tương đương 2.400 tỷ đồng.