Môn mĩ Thuật được giảng dạy trong hệ thống Trường THPT. |
Trong giáo dục phổ thông trên thế giới, các môn nghệ thuật được giáo dục khá da dạng với nền tảng kiến thức chuyên môn và định hướng nghề nghiệp tương đối rõ nét. Với Việt Nam, hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã lần đầu tiên đưa mĩ thuật vào đủ ba cấp học trong nhà trường phổ thông, đóng góp vào mục tiêu giáo dục toàn diện và định hướng nghề nghiệp khá thú vị.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Văn Tuyến - Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam – Tổng chủ biên và chủ biên sách mĩ thuật - khi đưa mĩ thuật vào đủ ba cấp học cũng đã để lại những thách thức lớn, đòi hỏi nhận thức chung của toàn xã hội và đặc biệt là các phụ huynh cũng như đội ngũ giáo viên và nhà quản lý.
Thứ nhất là về nững mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên quan đến môn nghệ thuật cấp THPT.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT/BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi: “Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, ..., có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, ...”. TS. Phạm Văn Tuyến cho rằng, phạm vi kiến thức mĩ thuật phổ thông là một trong những điều cần làm rõ. Ví dụ, đâu là kiến thức phổ thông về mĩ thuật? Việc vận dụng nó vào cuộc sống như thế nào? Kiến thức phổ thông mĩ thuật nào đóng góp vào định hướng lựa chọn nghề nghiệp?...
TS. Phạm Văn Tuyến lấy ví dụ Chương trình giáo dục trung học phổ thông “…giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực mĩ thuật đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản và các phẩm chất…; ý thức tôn trọng và phát huy văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc, tiếp cận giá nghệ thuật và thành tựu khoa học, công nghệ của thời đại, phát triển năng lực tự chủ và tự học; tăng cường hiểu biết về kiến thức mĩ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan, bồi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu nghệ thuật, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.”
Nội dung này cần nhìn rộng hơn “Khi xem xét đến từng khối cấp học, vấn đề đào tạo giáo viên lại càng cần rõ nét hơn để tránh sự thừa hoặc thiếu kiến thức nghề nghiệp khiến đội ngũ giáo viên không đảm nhiệm tốt nhiệm vụ dạy học”, TS. Phạm Văn Tuyến nêu quan điểm.
TS. Phạm Văn Tuyến - Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam – Tổng chủ biên và chủ biên sách mĩ Thuật. |
Thứ hai, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực liên quan đến môn mĩ thuật.
Cụ thể, về phẩm chất, Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
“Việc hình thành phẩm chất cho học sinh thông qua môn Mĩ thuật được thực hiện với các hoạt động thực hành, trải nghiệm, sáng tạo sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật. Đồng thời quá trình dạy-học kết hợp giữa các hoạt động thảo luận, tìm hiểu, khám phá giá trị thẩm mĩ ở các sản phẩm, tác phẩm, di sản văn hoá nghệ thuật trong mối liên quan giữa các chủ đề, sự tương tác giữa nghệ thuật với văn hoá xã hội, qua đó, góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất nói trên”, TS. Phạm Văn Tuyến chia sẻ.
Các phẩm chất này theo TS. Phạm Văn Tuyến sẽ được hình thành nhờ vào các mục tiêu cụ thể của bài học, đặc biệt là các thông điệp từ chủ đề dạy học và quá trình nhận thức đánh giá của học sinh thông qua các chủ đề.
“Trên thực tế, nhờ vào khả năng truyền tải thông điệp hình ảnh có tốc độ nhanh và dễ nhớ nên sự đóng góp giáo dục phẩm chất cho học sinh cũng dể hình thành hơn. Dường như các yêu cầu cần đạt cho mục đích bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh của môn mĩ thuật rất rõ ràng nhưng rất dễ bị mờ nhạt nếu thực hiện không đúng định hướng của chương trình năm 2018”, TS. Phạm Văn Tuyến nói.
Về năng lực: Những năng lực chung gồm: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thể chất).
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.
Thứ ba, nội dung giáo dục mĩ thuật. Giáo dục nghệ thuật, giáo dục hướng nghiệp là hai trong số các nội dung liên quan trực tiếp đến môn mĩ thuật. Vượt qua giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh được trang bị tri thức phổ thông nền tảng về mĩ thuật.
Theo TS. Phạm Văn Tuyến, các tri thức phổ thông này cần được hiểu đúng và xác định rõ trong tri thức tổng quát của mĩ thuật. “Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh. Trong đó môn mĩ thuật có các chuyên đề học tập sâu về: hình họa, tranh bố cục và chất liệu vẽ tranh, vẽ trang trí cơ bản tương đương chương trình sơ trung của bậc chuyên nghiệp, đảm bảo học sinh có đủ kiến thức cơ bản để thực hiện bài thi tuyển sinh vào các ngành năng khiếu và phân luồng giáo dục nghề nghiệp”, TS. Phạm Văn Tuyến cho hay.
Giáo dục mĩ thuật trong nhà trường phổ thông có trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ. Thông qua đó giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hoá, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội.
Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.
Như chia sẻ của TS. Phạm Văn Tuyến, mĩ thuật thuộc môn tự chọn trong nhóm các môn tự chọn (có thể gọi là tự chọn trong tự chọn). Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở lớp 10,11, 12, học sinh phải lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật và tiếp tục lựa chọn 04 trên 10 nội dung dạy học trong các nội dung học tập ở bảng dưới đây.
Với quy định hiện nay, theo TS. Phạm Văn Tuyến, môn mĩ thuật cấp THPT với cả 3 cấp học sẽ có tổng số 33 đầu sách bao trùm cả mĩ thuật tạo hình (hội họa, đồ họa tranh in, điêu khắc, lịch sử mĩ thuật) và mĩ thuật ứng dụng (thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, mĩ thuật sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, thời trang,…) cùng các chuyên đề học tập. Song học sinh sẽ chọn nhiều nhất là 15 (4 x 3 +3) nội dung học tập đầu sách và lãng phí 18 nội dung sẵn có trong các đầu sách mà một bộ sách bắt buộc phải biên soạn.
“Như vậy, các nhà trường sẽ gặp chút khó khăn khi học sinh có thể chọn các nội đung/đầu sách khác nhau và một số nội dung mới, nhiều giáo viên chưa đảm nhiệm được”, TS. Phạm Văn Tuyến nói.
Để thực hiện tốt định hướng giáo dục mĩ thuật ở cấp THPT, theo TS. Phạm Văn Tuyến có một số vấn đề cần nhìn nhận thực tế hơn, đó là: Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục về các mục tiêu, định hướng, nội dung và phương pháp giáo dục.
“Việc này đảm bảo rằng, có thể xóa bỏ suy nghĩ coi môn mĩ thuật là môn phụ và đồng thời hiểu được cái khó của việc triển khai dạy học và hiểu biết đúng về lợi ích của môn học đối vói học sinh”, TS. Phạm Văn Tuyến nêu quan điểm.
Đồng thời, khẩn trương đào tạo mới và tập huấn đội ngũ giáo viên đáp ứng được đầy đủ 33 nội dung trong 33 đầu sách đã nêu để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Việc này tháo gỡ được tồn tại thực tiễn hiện nay là một số nội dung giáo dục không có giáo viên đủ kiến thức đảm nhiệm.
Ngoài ra, cần tuyên truyền và giới thiệu đầy đủ hơn đến toàn dân về mục tiêu, định hướng và cơ hội việc làm cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.