Tỷ giá vẫn cao sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp. |
Tỷ giá USD tăng nóng
Sáng 24/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.275 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày trước đó.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng lập đỉnh mới, mua vào 25.178 đồng, bán ra 25.488 đồng/USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 4,9%.
Giá USD được giao dịch tại "chợ đen" phổ biến ở mức 25.870-25.900 đồng/USD mua - bán.
Nguyên nhân tỷ giá tăng cao trong thời gian gần đây được ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, do chỉ số DXY tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, khiến lãi suất VND ở mức âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, cũng tạo áp lực đến tỷ giá.
Đáng chú ý, sau tuyên bố của cơ quan quản lý về việc bán USD can thiệp thị trường từ ngày 19/4, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công bố sẵn sàng bán USD ra thị trường theo tỷ giá giao ngay cho những ngân hàng nào có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
PGS,TS. Phan Thị Thu Hà - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thông thường khi tỷ giá tăng, chi phí của những hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng và tác động đến tình hình lạm phát ở trong nước.
Tỷ giá tăng còn khiến chi phí du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng đồng USD lớn và nợ công (vay nước ngoài) sẽ phải chi thêm khoản tiền từ việc chênh lệch tỷ giá. "Việc này gây áp lực cho doanh nghiệp và tác động đến cân đối thu chi ngân sách"- bà Hà nói.
Doanh nghiệp lao đao
Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cũng cho biết, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá. PVN hiện có dư nợ vay ngoại tệ 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD.
Sữa là mặt hàng thiết yếu, ngoài sữa nội địa thì sữa nhập, nhất là sữa công thức rất cần thiết ở thị trường Việt Nam.
Bà Lê Vân Mây, chủ tịch Tập đoàn Lotus Group (nhà nhập khẩu và phân phối thương hiệu sữa Morinaga tại Việt Nam), cho biết giá của một lon sữa Morinaga xuất xứ Nhật Bản, tùy theo lứa tuổi và trọng lượng, dao động mức từ 360.000 đồng đến gần 520.000 đồng/lon.
"Không riêng phía công ty chúng tôi, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa khác cũng 'méo mặt'. USD bật tăng, chênh lệch mỗi đơn hàng đã hơn 10% so với trước, chưa kể nhiều chi phí khác cũng tăng", bà Mây giải thích.
Ngay cả các ngành tưởng như thế mạnh, như xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cũng phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Theo một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Nuôi trồng thủy sản Việt Nam (VASEP), bình quân mỗi năm, ngành thủy sản phải chi hơn 300 triệu USD để nhập nguyên liệu.
Ngành nào hưởng lợi?
Nhiều công ty xuất khẩu hưởng lợi. |
Lãnh đạo Công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera cho rằng khi tỉ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên hưởng lợi, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu mà phải nhập khẩu nguyên liệu thì chuyện lợi, chuyện lãi chỉ dừng lại ở mức… cân bằng.
"Viglacera xuất khẩu các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sen vòi... sang thị trường Úc, Mỹ, UAE nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài như bột màu, đá mài… Nên bán sản phẩm ra để mua lại nguyên liệu, chênh lệch tỉ giá chỉ ở mức cân bằng", vị lãnh đạo trên nói.
Còn ông Đỗ Minh Tuấn - tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) - thông tin quý 1-2024, 50% sản lượng cao su xuất khẩu mang về lợi nhuận khá cao so với cùng kỳ năm 2023.
"Doanh thu xuất khẩu cao su tăng và rất đáng mừng. Năm nay ngành cao su có hai điều đáng chú ý, giá bán cao su tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước, từ 33 triệu đồng/tấn lên 41 triệu đồng/tấn. Và thứ hai là tỉ giá, năm ngoái tỉ giá chỉ hơn 23.500 đồng/USD, năm nay chúng tôi xuất bán giá bình quân 24.500 đồng/USD. Cao su hưởng lợi đôi đường", ông Tuấn cho biết.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, tỷ giá chưa hạ nhiệt có thể do thời điểm hiện tại các thành viên thị trường vẫn còn đang quan sát thị trường. Bên nắm USD vẫn kỳ vọng có thể bán được giá cao hơn nên chưa đẩy mạnh bán ra USD. Tỷ giá NHNN đưa ra là 25.450 đồng/USD hiện đã thấp hơn tỷ giá tại ngân hàng thương mại 25.487 đồng/USD. “Việc bán ngoại tệ theo hướng gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường là cần thiết, nhằm tránh hao tổn dự trữ ngoại hối. Để đánh giá hiệu quả của việc bán ngoại tệ từ cơ quan quản lý, chúng ta cần theo dõi thêm trong vài tuần tới”, ông Hùng Linh nói.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá sẽ còn tăng tiếp từ nay đến cuối năm do đồng USD mạnh lên; căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông khiến nhà đầu tư và thị trường tìm đến USD như “kênh trú ẩn”. Ở thị trường trong nước, các kênh đầu tư chưa khởi sắc, như chứng khoán biến động mạnh, thị trường vàng vẫn “nóng”, lãi suất tiền gửi duy trì ở vùng đáy… khiến nền kinh tế chưa được vực dậy mạnh mẽ để giúp VNĐ mạnh lên.
Ông Hiếu cho rằng, giải pháp bền vững cho tỷ giá phải là kinh tế ổn định và phục hồi mạnh mẽ, niềm tin vào VNĐ tăng sẽ giúp đồng nội tệ phục hồi.
Doanh nghiệp nên làm gì để xuất khẩu nông sản vào ASEAN đạt tỷ USD? |
Nông lâm thủy sản: Điểm tên 5 nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD |
9 mặt hàng xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD trong hai tháng đầu năm |