Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước |
Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 và Kế hoạch giám sát, khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương, Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà toán tại Nhà Quốc hội vào sáng 5/07 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát.
Báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tại từng báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nhiều giải pháp để kịp thời xử lý các sai phạm tài chính; chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công; sửa đổi các văn bản, chế độ, chính sách chưa phù hợp; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm; cung cấp thông tin, số liệu cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các coq quan chức năng để sử dụng trong quá trình phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, thực hiện chức năng giám sát và xây dựng pháp luật… Trong đó, tập trung vào một số nhóm giải pháp, kiến nghị chủ yếu sau:
Một là, nâng cao hiệu lực thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tăng cường kiến nghị về xử lý tài chính đối với các tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công nhằm tránh thất thoát, lãng phí; gắn xử lý tài chính với kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và tăng cường tính nghiêm minh trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; tăng cường công khai trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt là công khai việc phát hiện và xử lý các hành vi lãng phí của các cơ quan có thẩm quyền.
Hai là, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, ngân sách: Tiếp tục thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng:
(1) Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập; tăng số lượng đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên; tiếp tục hoàn thiện dồng bộ các thể chế chính sách về quản lý tài chính để khuyến khích các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh |
(2) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầy cung cấp dịch vụ; giảm dần phương thức giao nhiệm vụ; tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công. Cơ cấu, rà soát tổng quan các Đề án, chính sách tài chính đã ban hành để định hướng lại cho phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách các cấp.
(3) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Xây dựng tiêu chí Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhằm gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu với tiến độ thời gian sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để ban hành, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện quản lý chặt chẽ tài sản công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là pháp luật về tài chính đất đai, tài nguyên; tích cực tuyên truyền, phố biến và thi hành cso hiệu quả, hiệu lực Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định liên quan, qua đó góp phần tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn lực tài chính, tài sản công; phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Bốn là, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước: Bố trí dự toán trên tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với khả năng ngân sách được giao và phù hợp với khả năng thực hiện; khắc phục tình trạng bố trí nguồn lực thừa hoặc thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, các chương trình, dự án, kế hoạch tài chính đã phê duyệt, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn. Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công,…
Năm là, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư các công trình. Thực hiện quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định.
Sáu là, giải pháp về quản lý, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả những nguồn lực công: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Ngoài ra, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, nhà nước và của Kiểm toán Nhà nước.
Xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy định của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc thường xuyên rà soát các quy trình, quy định nhằm đơn giản hóa các thủ tục trong các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nâng ngạch. Các đơn vị trong ngành công khai, minh bạch trong lĩnh vực hoạt động, chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhằm triển khai có hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị./.