Năm 2024, thị trường thép sẽ vượt qua vùng “đáy” và bắt đầu khởi sắc. Ảnh hoaphat.com.vn |
Năm “bết bát” của ngành thép
Trong năm 2023, số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng thép thô đạt 17,87 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ còn sản phẩm thép đạt 26,56 triệu tấn, giảm 8,33%.
VSA nhận định, nguyên nhân giá thép trong nước năm 2023 liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm, đầu tư công chưa thực sự khởi sắc. Ngoài ra, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm giá liên tục để giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là giai đoạn mùa mưa - mùa thấp điểm về xây dựng, nên sức tiêu thụ thép càng giảm sút.
Kể từ phiên giảm giá lần thứ 19 - tháng 9/2023, thép nội địa đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng không biến động; đến cuối tháng 11 bắt đầu đảo chiều tăng 4 lần liên tiếp. Kéo giá thép từ mức phổ biến hơn 13 triệu đồng/tấn lên mức phổ biến 14,7 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, mặt bằng chung của giá thép thời điểm này cũng chỉ ngang mức tháng 7/2023 và tương đương tháng 8/2022, vẫn nằm trong vùng giá thấp nhất 3 năm gần đây.
Kết thúc năm 2023, giá thép có tổng 29 đợt điều chỉnh tăng chính thức, với 19 đợt giảm và 10 đợt tăng. Cho thấy xu hướng giảm giá là chủ đạo và giảm trung bình từ 9,6-10,4% so với năm 2022.
Tuy giá thép đang ở vùng giá thấp nhưng giới phân tích nhận định, giá thép có xu hướng ấm dần lên khi trong thời điểm cuối năm và đầu năm mới các doanh nghiệp thép liên tục tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ cũng được cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp thép cũng bắt đầu chuyển lỗ thành lãi. Bên cạnh đó, với hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường BĐS đã được ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, tạo cơ hội khôi phục nhu cầu tiêu thụ thép từ năm 2024.
Thị trường thép nội sẽ vượt qua vùng ”đáy”?
Đầu tư công khởi sắc cũng là một trong những yếu tố quyết định sự phục hồi của ngành thép trong năm nay. Ảnh: Nguyễn Duyên |
Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang kỳ vọng dần được tháo gỡ trong năm 2024 bởi tác động từ những chính sách mới.
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2023, dù có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nhưng với những điểm mới, quy định mới có lợi cho người dân, những tác động được kỳ vọng sẽ đến sớm hơn tới thị trường BĐS và nhà ở.
Đáng chú ý, vừa qua Bộ Xây dựng đã đưa ra các đề xuất và giải pháp gỡ khó cho ngành VLXD nói chung và ngành thép nói riêng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn.
Đặc biệt, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như ĐBSCL.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục có những động thái tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhà ở. Các thông báo phát đi đều nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm cho phí sản xuất.
Điều này sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, VLXD, cơ khí… Theo đó, trong năm 2024, giải ngân đầu tư công sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó, góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, xuất khẩu thép tăng lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, nhu cầu thép của thế giới dự kiến cũng tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, trong đó nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%.
Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Theo VSA, năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng của ngành thép, bởi giá thép đã ở đáy của chu kỳ giảm, nhiều khả năng thời gian tới, giá thép sẽ tiếp tục phục hồi. Nhìn xa hơn, nhu cầu thép chắc chắn sẽ tăng, đến năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán FPT (FPTS), sản lượng sản xuất ngành với thép thô và nhóm sản phẩm thép năm 2024 sẽ đạt lần lượt là 19,15 triệu tấn, tăng 7,16% so với cùng kỳ và 28,36 triệu tấn, tăng 6,76%.
Sản lượng bán hàng sản phẩm thép kỳ vọng tăng lần lượt 8,68% và 5,19% năm 2024, tạo dư địa cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất.
FPTS cho rằng mức phục hồi nhu cầu thép năm 2024 dự kiến chỉ bắt đầu từ quý II. Yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất của ngành thép trong năm nay đến từ sự phục hồi của ngành xây dựng dân dụng, trong khi mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng của năm 2023.
Sản lượng thép nội địa được tiêu thụ nhiều nhất trong hoạt động xây dựng dân dụng. Do vậy, kỳ vọng xây dựng dân dụng bắt đầu phục hồi trong quý IV/2023 và sôi động kể từ quý II/2024 tạo cú hích lớn cho nhu cầu sản phẩm thép trong nước.
Ngoài ra, ngành thép cũng có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ sự tác động từ thị trường quốc tế.
Theo dự báo của Hiệp hội thép thế giới (WSA), giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. Về nhu cầu, WSA dự báo nhu cầu thị trường phục hồi hơn 6% trong 2024 nhờ nhu cầu tăng nhẹ từ ngành Xây dựng và sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, EU, Ấn Độ được dự báo sẽ là điểm sáng tiêu thụ thép trên thế giới trong bối cảnh chính phủ các nước này dự kiến giải ngân 120 tỷ USD cho đầu tư công trong năm tới.
Việt Nam nhập khẩu gần 10 triệu tấn sắt thép trong 9 tháng |
Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam giảm mạnh cả về lượng và trị giá |
Xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam tăng trở lại |