Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty WinCommerce trao chứng nhận cửa hàng nhượng quyền cho chủ đầu tư |
Bước vào cuộc đua
Các cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của WinCommerce được khai trương trong bối cảnh thị trường bán lẻ của Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam được ghi nhận là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nhận ra những tiềm năng lớn này, các thương hiệu nước ngoài đã ồ ạt đổ vào Việt Nam qua con đường nhượng quyền, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế về việc mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ. Hàng loạt những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực bán lẻ đã xuất hiện trong thời gian qua trên khắp các đường phố ở Việt Nam như Circle K, FamilyMart, 7-Eleven, MiniStop… Theo thống kê của Bộ công thương, tính đến tháng 3.2021, Việt Nam đã cấp phép cho 262 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam.
Cửa hàng WinMart+ nhượng quyền đầu tiên tại Hà Nội tích hợp Kiosk Phúc Long và mạng di động Reddi |
Sự hiện diện của nhiều đại gia bán lẻ quốc tế, cùng những điều khoản mở cửa thị trường đã mang lại thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt, khi mà khái niệm “sân nhà” trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài trên chính thị trường nội địa.
Nếu so với các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn đang khá dè dặt trong cuộc đua sôi động của thị trường nhượng quyền thương mại, đặc biệt là trong mô hình chuỗi cửa hàng tiện ích và siêu thị mini.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng WinMart+ đầu tiên tại Hà Nộ |
Thực tế, trong thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước tham gia nhượng quyền nhưng để thành công trong lĩnh vực này không phải điều dễ dàng. Các chuyên gia còn cho rằng, doanh nghiệp nội vẫn có xu hướng vận hành chuỗi nhượng quyền theo kiểu truyền thống, chưa cập nhật các ứng dụng số vào khâu quản lý, khiến cho việc kiểm soát và điều chỉnh chi phí vận hành gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong nguyên nhân khiến một số chuỗi thương hiệu sau nhượng quyền hoạt động chưa hiệu quả, dẫn tới thua lỗ, thậm chí phải rút khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc Masan chính thức triển khai nhượng quyền WinMart+ được ví như hành động “khai hoả” cho cuộc đua giành thị phần của các doanh nghiệp nội và ngoại trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Vũ khí của Masan chính là hệ sinh thái riêng khá đầy đủ của mình, từ các thương hiệu thực phẩm độc quyền, các nhãn hàng nổi tiếng, tới kios trà Phúc Long độc đáo, ngân hàng Techcombank, mạng di động Reddi… trên nền tảng “tất cả trong một”. Và tất nhiên là không chỉ có vậy.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng WinMart+ nhượng quyền tại Bắc Giang |
Vũ khí đặc biệt
Masan có vẻ như đã chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc đua nhượng quyền này. Tham vọng của tập đoàn này là xây dựng được 20.000 cửa hàng Winmart+ nhượng quyền, để cùng với 10.000 cửa hàng tự sở hữu, phục vụ cho 30 đến 50 triệu khách hàng vào năm 2025.
Tháng 5-2021 vừa qua, Masan thực hiện chiến thuật “đi tắt đón đầu” bắt tay với Alibaba đại gia dày dặn kinh nghiệm, giàu nền tảng và thế mạnh công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử để cùng phát triển nhằm tăng tốc tích hợp nền tảng bán lẻ offline to online.
Masan đã rất khôn khéo khi vừa tận dụng lợi thế sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại với gần 3.000 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, quan hệ mật thiết với hơn 300.000 điểm bán truyền thống từ thành thị đến nông thôn để kết hợp với kênh bán lẻ online hiện đại của Lazada. Việc sử dụng hệ thống cửa hàng offline làm điểm giao hàng cho các đơn hàng online, giống như cách mà Walmart đang làm, sẽ tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng WinMart+ nhượng quyền tại Bắc Giang |
Theo chuyên gia tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, WinMart đã có thương hiệu và uy tín nhất định, việc tạo ra một mạng lưới rộng hơn sẽ giúp nhà bán lẻ này ngày càng mạnh. Đối với đối tác tham gia nhượng quyền, họ được “đứng trên vai người khổng lồ”, yên tâm kinh doanh với quy trình vận hành chuyên nghiệp, thương hiệu uy tín, đông đảo khách hàng quen thuộc. Hơn nữa, Masan đã có kinh nghiệm quản trị một tập đoàn lớn, có thành tựu nhất định trong quá trình chuyển đổi số, tích hợp bán hàng đa kênh, có mạng lưới cung ứng bán hàng rộng khắp gắn với tiêu chí chất lượng tốt. Đây là những điểm mạnh để Masan bắt đầu trò chơi nhượng quyền.
Với những bước đi thận trọng và vững chắc như trên, Masan được kỳ vọng sẽ cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp ngoại, sở hữu nhiều tiềm năng khi triển khai mô hình bán lẻ nhượng quyền.