Theo đó, cơ chế hợp tác hải quan trong ASEAN hiện nay được tổ chức theo các cấp quản lý và Nhóm làm việc cố định, trong đó cấp cao nhất là Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN. Ngoài ra còn có các Tiểu nhóm lâm thời, phục vụ các nhiệm vụ đặc trách được giao, ví dụ như về hệ thống quá cảnh ASEAN, Một cửa ASEAN, Doanh nghiệp ưu tiên...
Hoạt động hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN), Hải quan các nước ASEAN đã sử dụng, được xây dựng AHTN dựa trên Danh mục HS của WCO. Hiện nay, các nước ASEAN đã triển khai thực hiện Danh mục AHTN phiên bản 2022. Việt Nam cũng đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện phiên bản AHTN 2022, cụ thể là ban hành Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam vào tháng 12/2022.
Quang cảnh phiên làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) tháng 4/2024 tại Lào. |
Chính vì vậy, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn. Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về Thực hiện Biểu thuế Hài hoà hoá của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…
Tại hội nghị , các Lãnh đạo của Hải quan các nước thành viên thảo luận và đưa ra các quyết định, chỉ đạo và định hướng các hoạt động liên quan đến các biện pháp hội nhập hải quan trong đó tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ về tạo thuận lợi thương mại kiểm soát hải quan và xây dựng năng lực hải quan.
Với vai trò là nước Chủ tịch Hải quan năm 2024, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường kết nối và thống nhất giữa các nước ASEAN để tiếp tục thực hiện các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN cho giai đoạn 2021-2025 trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung: Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Cơ chế thực hiện Công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai sáng kiến ACTS cùng các nước ASEAN theo đúng tiến độ chung. Về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan.
Việc kết nối hệ thống, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành có liên quan, trong đó có vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các Ngân hàng thương mại trong vấn đề cung cấp bảo lãnh.
Việc thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA) đã được toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN thông qua, ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Đây là một trong những sáng kiến nổi bật của ASEAN nhằm hướng đến mục tiêu củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung trong tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia. Thỏa thuận này không mang tính ràng buộc về pháp lý, việc thực hiện Thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào tình hình của từng nước theo lộ trình thống nhất.
Hiện nay, Hải quan Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) điện tử với 9 nước ASEAN, trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu... Ngoài ra, đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống cho phép doanh nghiệp và các bên liên quan có thể tra cứu C/O e-Form D của Việt Nam từ tháng 8/2021 qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn).