Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV |
![]() |
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới - Ảnh: VGP |
Sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.
Thời gian tới, Thủ tướng đánh giá tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm; các tổ chức uy tín đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Theo Thủ tướng, tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.
Thứ hai, thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.
Thứ ba, cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để". Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013). Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh".
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt. Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD - Ảnh: VGP |
Thứ năm, phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và các dự án quan trọng, động lực khác; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau. Hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng; tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào; phấn đấu tăng trưởng điện năng toàn hệ thống khoảng 12,5 - 13%. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, nhất là vệ tinh viễn thông, trục viễn thông quốc gia, mở rộng vùng phủ sóng 5G. Chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án lớn giai đoạn 2026 - 2030. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2025.
Thứ sáu, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân… Sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt. Bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 - 2026. Huy động các nguồn lực để xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.
Thứ bảy, phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nhân dân phải được thụ hưởng thành quả văn hóa. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp giải trí. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 33. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao.
Thứ tám, tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão. Xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm. Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Thứ chín, nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, pháp luật về quân sự, quốc phòng, an ninh; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức quân sự địa phương "tinh - gọn - mạnh". Đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển khoa học công nghệ quân sự, sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, không để hình thành "điểm nóng"; tiếp tục trấn áp mạnh các loại tội phạm nhằm kiềm chế, kéo giảm tội phạm bền vững.
Thứ mười, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao trong năm 2025; làm sâu sắc hơn quan hệ song phương; chủ động, tích cực hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại đa phương. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học, công nghệ; thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn. Tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân.
Mười một, chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung định hướng quan trọng về KTXH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025, góp phần tạo động lực trong xã hội, củng cố niềm tin và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
![]() |