Dù lúa bị hỏng, nhưng người dân xót của vẫn đem ra phơi |
Những ngày này về vùng tâm lũ Hà Tĩnh, ngoài hình ảnh những đoàn xe chở hàng cứu trợ, cảnh dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh sau lũ thì hình ảnh dễ bắt gặp là dọc các tuyến đường cao ráo, người dân tranh thủ thời tiết có nắng đem lúa ra phơi. Tuy nhiên theo những người dân nơi đây thì vì xót của, xót công nên đem ra phơi, chứ đối với số lượng lúa này thì không thể sử dụng được nữa, chỉ xay xát dùng để làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Nhiều tấn lúa bị ngâm lước lũ hư hỏng, nảy mầm |
Vừa đem lượng lúa bị hư hỏng, nảy mầm của gia đình ra phơi, chị Trần Thị Liên, thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẻ mặt buồn bã chỉ tay vào đống lúa ẩm ướt, nảy mầm trắng xóa, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ngậm ngùi chia sẻ, đây là toàn bộ số lượng lúa của gia đình dùng để ăn và chăn nuôi, nhưng nước lũ nhấn chìm, hư hỏng hết. “Hơn 2 tấn thóc của gia đình dùng để ăn và chăn nuôi mọc mầm trắng xóa hết rồi. Nước ngâm lâu quá, thóc bị ẩm, mọc mầm. Giờ chỉ biết phơi lên, được hạt nào dùng hạt đó, cả xã đều như vậy”. Chị Liên buồn bã.
Cách đó không xa, anh Đào Huấn cũng đang tiến hành phơi lúa của gia đình, vừa đổ lúa trong bì ra anh cho biết: “Mấy ngày hôm nay chạy lũ, khi trở về thì lúa gạo ngập hết. Sáng nay thấy trời hửng nắng tôi chở mấy bì lúa ra đường lớn phơi tạm, hi vọng vẫn còn ăn được, giờ hỏng hết thì không biết sắp tới phải xoay sở làm sao”.
Do ngâm nước lâu ngày nên lúa đã mọc mầm trắng xóa |
Được biết lúa hư hại như trên là thực trạng chung của các địa phương vùng rốn lũ thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP.Hà Tĩnh. Nước lũ về quá nhanh nên người dân chỉ kị sơ tán một số vật dụng và người, còn lúa thì chưa kịp trở tay để đưa lên những nơi cao hơn. Hiện vẫn chưa con số thống kê đầy đủ của cả 3 địa phương, nhưng riêng huyện Cẩm xuyên số lượng lúa bị ướt lên đến trên 10.000 tấn.“Thóc nảy mầm, ẩm ướt là thực trạng chung của tất cả các hộ dân trong vùng ngập lũ. Toàn huyện có khoảng 11.701 tấn thóc giống, thóc thương phẩm các loại bị ướt, hư hại hoàn toàn. Hiện, UBND huyện cũng đã đề xuất với UBND tỉnh và các sở ngành hỗ trợ lương thực, thóc giống, cây trồng cho bà con”, ông Lê Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin.
Tranh thủ nắng ráo người dân huy động toàn bộ nhân lực để phơi lúa |
Tính đến thời điểm hiện tại, tuy đã có nắng ráo, nhưng một số vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ như: xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên), xã Tân Lâm Hương, xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), Đại Nài (TP.Hà Tĩnh)… vẫn còn ngập sâu. Con số về lúa hư hại của người dân là rất lớn, sinh kế của người dân ảnh hưởng nặng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bảo vệ hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số 1 Hà Tĩnh: Hồ Kẻ Gỗ xả lũ 940m3/s, nhiều địa phương vượt đỉnh lũ 2010 Hà Tĩnh: Phát lệnh di dời khẩn cấp hơn 45 nghìn người dân |