Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc lặng sóng
Theo ghi nhận, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc chững lại.
Cụ thể, giá heo hơi tại Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình là 58.000 đồng/kg - cao nhất khu vực.
Trong khi đó, thương lái tại Yên Bái và Lào Cai đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất là 56.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại neo chung mức 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên đứng yên
Thị trường heo hơi miền Trung, Tây Nguyên không ghi nhận biến động mới về giá so với ngày hôm qua.
Trong đó, 55.000 đồng/kg là giá heo hơi thấp nhất khu vực, tiếp tục có mặt tại Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Các địa phương còn lại trong khu vực duy trì giá heo hơi ổn định trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam đi ngang
Tại miền Nam, giá heo hơi cũng đứng yên theo xu hướng chung của thị trường.
Theo đó, heo hơi tại Cà Mau và Bạc Liêu đang được thu mua chung mức 58.000 đồng/kg.
Thấp hơn một giá ở mức 57.000 đồng/kg gồm có Long An, Cần Thơ, Kiên Giang và Tiền Giang.
Thương lái tại các địa phương còn lại thu mua heo hơi trong khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg.
Tạo thuận lợi cho chăn nuôi khép kín, hiện đại
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển theo quy mô trang trại tập trung, gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Hiện toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò khoảng 169.000 con, đàn lợn khoảng 154.000 con và đàn gia cầm hơn 4,4 triệu con. Trong đó 126 cơ sở chăn nuôi trang trại, đáng chú ý có 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 5 cơ sở chăn nuôi gà có liên kết với các công ty chăn nuôi theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Thực hiện chủ trương mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đến nay tỉnh Phú Yên có 29 dự án chăn nuôi được UBND tỉnh này quyết định chủ trương đầu tư, trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động.
Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn giống ông bà như Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) quy mô 5.000 con nái; Công ty TNHH Đầu tư Sơn An, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) với quy mô 2.400 con nái.
Chăn nuôi lợn giống bố mẹ như trang trại của Công ty MTV Thương mại Thanh Trang, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) quy mô 2.400 con nái sinh sản. Chăn nuôi lợn thịt có trang trại của hộ ông Huỳnh Văn Đức, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) quy mô 3.000 heo thịt/lứa.
Chăn nuôi bò có trang trại của Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) quy mô 5.000 con bò sữa và Công CP Bò giống công nghệ cao Colike Phú Yên, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) quy mô 1.500 con bò thịt và sinh sản.
Chăn nuôi gà có trang trại của hộ bà Trần Thị Thủy, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) với quy mô 32.000 con gà thịt/năm.
Về định hướng thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Lâm sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nhằm giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, phát triển chăn nuôi tại các vùng tập trung đã được phê duyệt, chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối với chuỗi giá trị.
“Chúng tôi sẽ phát triển vật nuôi chủ lực gồm bò, lợn, gia cầm và các sản phẩm chủ lực từ bò. Chuyển đổi cơ cấu lại đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ. Đồng thời đa dạng hóa các vật nuôi có lợi thế khác như: trâu, dê, vịt, chim cút và chim yến nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao”, ông Lâm chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh sẽ vận động các trang trại liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững.
Đối với chăn nuôi nông hộ hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và chuyển dần theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Từ đó, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại có quy mô phù hợp với từng loại vật nuôi, từng vùng và từng địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho người chăn nuôi.
Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, áp dụng quy trình khép kín, công nghệ hiện đại. Đặc biệt ưu tiên cho các nhà đầu tư chăn nuôi gắn với chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi hoặc các nhà đầu tư về vùng nguyên liệu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.