Giá phân bón trong nước tăng theo biến động của thị trường thế giới Xuất khẩu phân bón tăng mạnh cả khối lượng, kim ngạch và giá Giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao: Cục Bảo vệ thực vật nói gì? |
Giá các loại phân bón ở thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh theo giá dầu |
Bà Trịnh Thị Thu Hà, địa chỉ: Đức huệ, Long An hỏi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc đầu tháng 11/2021 giá URE hạt trắng Phú Mỹ tăng từ 6.800 đồng/kg lên tới 15.400 đồng/kg. SA từ 4.000 đồng/kg lên 9.000 đồng/kg. Kaly miễng các loại từ 8.000 đồng /kg lên 16.000 đồng /kg. DAP từ 13.300 đồng/kg lên 21.000 đồng/kg? Chính sách bình ổn giá đã nghe bộ NN&PTNT triển khai từ tháng 6 hiện tại tất cả các loại nguyên liệu tăng gấp đôi, gấp 3. Với đà tăng "phi mã" như trên ổn định giá hay thả nổi giá phân bón? Có chính sách nào phù hợp mạnh tay trong giai đoạn hiện nay để khắc phục?
Về nội dung trên, Cục Bảo vệ thực vật có ý kiến như sau: Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón và một số mặt hàng khác ở thị trường trong nước và thế giới đều tăng mạnh. Nguyên nhân chính giá dầu thế giới, giá các loại nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phân bón tăng cao, chi phí vận chuyển tăng do tác động của đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đình trệ, cước phí vận tải tăng 3-5 lần, khan hiếm container rỗng, … nên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá không chỉ riêng phân bón.
Giá phân bón trong nước tăng theo biến động tăng của thị trường thế giới do thị trường trong nước và nước ngoài đã liên thông, tuy nhiên giá được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.
Trong khi giá phân bón bị chi phối bởi cung cầu trên thị trường quốc tế, việc áp dụng các quy định hành chính can thiệp vào thị trường rất khó khả thi. Thì biện pháp hữu hiệu nhất là người dân cần sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, trên cơ sở bón phân đúng quy trình, hợp thời vụ, mỗi chân đất, mỗi cây trồng chọn một loại phân phù hợp.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp góp phần bình ổn giá phân bón trong nước:
Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất: Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất, sản xuất và cung ứng kịp thời, ưu tiên tối đa lượng phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả: Bộ NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón tăng cao hiện nay.
Đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Đồng thời, cùng các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, v.v.) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.
Phối hợp các Bộ, ngành, đơn vị chức năng, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, chống đầu cơ tăng giá, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.
Ngoài các giải pháp Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai nêu trên, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan có các chính sách phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật để góp phần ổn định thị trường, đặc biệt đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Nếu còn vấn đề chưa rõ, đề nghị liên hệ Cục Bảo vệ thực vật (điện thoại 0243.851.8194/0243.533.1562 - Phòng Quản lý phân bón) để được hướng dẫn thêm.