Quy định chặt chẽ, tránh quảng cáo thuốc không đúng nhu cầu
Đồng tình và thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho ý kiến cụ thể đối với vấn đề giải thích từ ngữ và quảng cáo thuốc không đúng nhu cầu.
![]() |
đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh |
Đại biểu cho rằng, Điều 3 khoản 1, về giải thích từ ngữ người tiêu dùng có quy định: Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại. Đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng người tiêu dùng là các tổ chức, để đảm bảo tính bao quát của văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không. Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Đại biểu đưa ra ví dụ về những chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc huyết áp, tiểu đường, sữa dinh dưỡng…
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa kém chất lượng
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu dự thảo luật quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang |
Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Tuy nhiên, Điều 34 dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng…
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, khoản 3 Điều 34 quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. |
Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.
Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị sửa khoản 1 Điều 35 này thành: Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao quản lý chất lượng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.
Xem xét trách nhiệm hình sự khi cá nhân tổ chức không thu hồi hàng hóa khuyết tật
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn - khẳng định, dự thảo luật đã thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa |
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của phương thức kinh doanh tiêu dùng mới, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa, làm rõ nét theo nội dung tại Nghị quyết số 11 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12;
Chỉ thị số 30 năm 2019, Chỉ thị số 03 năm 2021 của Ban Bí thư về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, về nâng cao đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về các quy định cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cần quy định cụ thể hơn ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, cần bổ sung Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ; hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Theo đại biểu, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.