Ấp ủ ước mơ đổi đời
Một ngày đầu tháng 4, tôi có dịp đặt chân đến TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tại đây, tôi được một người bạn dẫn đến cửa hàng đồ da ở phường Thắng Lợi. Nơi đây có rất nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng.
Cũng tại cửa hàng này, tôi được gặp anh Lê Quang Huy (SN 1991, trú phường Thắng Lợi TP Pleiku), chủ thương hiệu đồ da Lê Gia. Anh Huy cho biết, năm 1975, gia đình quê từ Nam Định vào huyện Chư Prông (Gia Lai) làm kinh tế mới.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió, cuộc sống khó khăn nên ngay từ khi còn nhỏ bản thân anh Huy đã nuôi dưỡng ước mơ mong muốn thay đổi cuộc sống tốt hơn.
![]() |
Anh Huy cùng nhân viên hỗ trợ tư vấn khách hàng tại cửa hàng ở Gia Lai. |
18 tuổi, kết thúc chương trình phổ thông, anh Huy trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan. Năm 2014, anh Huy viết đơn xin tự nguyện vào quân đội. Sau đó đơn vị đã cử anh Huy đi học sơ cấp quân khí bộ binh tại Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, tốt nghiệp xong anh trở về đơn vị công tác.
Từ đây niềm đam mê đồ da của anh Huy cũng một ngày mãnh liệt hơn. Những lúc có thời gian rảnh, anh thường mày mò, sáng tạo làm các đồ vật thường dùng hàng ngày như móc chìa khoá, ví da,..
Chính sự tò mò trên, anh Lê Quang Huy nhận thấy trên thị trường có nhiều sản phẩm trôi nổi chưa đạt chất lượng cao nên bản thân muốn làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phát triển thương hiệu cho quê nhà.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tự tìm tòi, ban đầu nhận sự chỉ giúp từ bạn bè sau đó học hỏi thêm trên mạng xã hội như Google, Youtube...học làm từng thứ một từ việc cắt, may da cho đến hoàn thành sản phẩm mới thôi.
![]() |
Anh tạo công ăn việc làm, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở địa phương. |
Nói về bước đầu khởi nghiệp, anh Huy kể: "Bước đầu là một sự gian nan, thiếu thốn đủ thứ như công nhân, vật tư và thậm chí thị trường khi sản phẩm hoàn thành để giới thiệu với mọi người".
Trước khó khăn ấy, anh Huy trằn trọc mỗi đêm. Anh suy nghĩ những người đang có hoàn cảnh khó khăn như mình sẽ làm việc hỗ trợ mình. Nghĩ vậy, anh Huy nhờ người tìm những người hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật để về cơ sở. Chính anh là người cầm tay chỉ việc cho những người này.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, giúp họ có thêm công ăn việc làm và thu nhập để cuộc sống bớt khổ hơn. Họ cũng là người hiểu, làm việc tốt hơn trong lúc tôi khó khăn" - anh Huy kể lại.
Bước ngoặt của cuộc đời từ vài chục triệu đồng
Sau 8 năm với niềm đam mê, mày mò, học hỏi, trau dồi kỹ thuật về đồ da, từ số tiền ít ỏi vài chục triệu đồng, năm 2018, anh Lê Quang Huy đã có thể mở được cửa hàng do mình làm chủ với tên đồ da Lê Gia tại đường Lê Duẩn, TP Pleiku.
Khi còn trong quân ngũ, ban ngày anh Huy lên đơn vị, chiều tối lại quay về cửa hàng chỉ dạy cho thợ. Cảm thấy thời gian không đủ để tập trung cho đam mê, đầu năm 2020, anh Huy xin phục viên để toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh.
![]() |
Nhiều sản phẩm làm từ đa dạng từ các loại da. |
Hiện anh Huy có 3 cửa hàng với nhiều sản phẩm mẫu mã, đa dạng làm từ da bò, da cừu, da trăn, da cá sấu, da đà điểu như: giày, dép, túi xách ,ví, ba lô, dây thắt lưng, ốp điện thoại, móc khóa, da quai đồng hồ. Tất cả nguyên liệu đều nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm tại của hàng của anh Huy dần được khách trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh thành lân cận biết đến và ưa chuộng ngày một nhiều hơn.
Mục tiêu ngay từ khi bắt đầu của anh Lê Quang Huy là luôn hướng đến việc xây dựng thương hiệu Lê Gia có bản quyền, các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đa dạng mẫu mã, màu sắc nhưng cũng đảm bảo về chất lượng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Mỗi tháng cửa hiệu đồ da Lê Gia có thu nhập đáng kể dao động từ 200-250 triệu đồng.
![]() |
Du khách ở xa tìm đến mua các sản phẩm giày da chất lượng tại cửa hàng Lê Gia. |
Anh Huy cho biết thêm, trong thời gian tới bản thân mong muốn mở rộng thị trường đồ da của mình ra các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và các tỉnh thành khác trên cả nước, cũng như xây dựng thương hiệu ngày càng phát triển, có chỗ đứng vững mạnh trong thị trường. Qua đó góp phần lan tỏa thông điệp “Người Việt dùng hàng Việt” đến với đông đảo người tiêu dùng hiện nay.