Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, góp phần bổ sung thu nhập của người dân để giải quyết một phần khó khăn do dịch Covid -19 gây ra. Đồng thời EVN cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, 4.400 MW điện mặt trời đã được đi vào vận hành. Tính đến cuối năm 2019, khi đề nghị các tỉnh tạm dừng đề xuất các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FiT (sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời) đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, khoảng 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch. Hiện, các địa phương cũng đang triển khai và xin bổ sung quy hoạch điện mặt trời, điện khí LNG.
Trụ sở EVN
Không chỉ điện mặt trời, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết tính đến ngày 15/3/2020, bộ nhận được đề xuất của UBND các tỉnh về việc bổ sung gần 250 dự án điện gió, tổng công suất khoảng 45.000 MW.
Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW; khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 dự án, tổng công suất là 11.734 MW; khu vực Đông Nam Bộ có 1 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 dự án tổng công suất 25.541 MW.
EVN muốn khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái
Trong khi đó, Bộ Công thương chỉ vừa mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện tuyền tải, hạ tầng kỹ thuật. Bởi hiện tổng công suất các dự án điện gió, mặt trời và LNG đã lên tới gần 150.000 MW nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp.
Trước đó, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng nói: Để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3-5 năm.
Nhìn vào thực trạng trên, lưới điện truyền tải đang chưa thể đáp ứng lượng điện tái tạo bao gồm cả điện gió và điện mặt trời, EVN lại muốn khuyến khích các tỉnh huy động phát triển điện mặt trời áp mái. Việc phát triển điện mặt trời áp mái liệu có làm tăng thêm sức ép lên mạng lưới truyền tải điện vốn đã và đang quá tải?
Hà Linh