Kiên quyết, dứt khoát không trình Quốc hội những dự án chưa đủ điều kiện Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 10 |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 |
Nhiều tích cực, đổi mới trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, các cơ quan đã có rất nhiều nỗ lực, chất lượng công tác xây dựng pháp luật được nâng lên, số lượng các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khá nhiều. Thực tiễn đã cho thấy nhiều luật, nghị quyết được thông qua phát huy chất lượng, hiệu quả.
Trong năm vừa qua, nhiều vấn đề mới, khó đều được giải quyết, xem xét một cách cẩn trọng như nghị quyết về vấn đề phòng, chống dịch được ban hành kịp thời, đặc thù, đặc biệt, đặc cách hay Luật sửa đổi 9 luật cũng đã góp phần tháo gỡ được nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, kiến tạo phát triển.
Nêu rõ, kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy nội dung nào làm kỹ, tuân thủ quy trình, quy phạm thì chất lượng tốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục phát huy, duy trì những thành tựu đó; đồng thời phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết, dứt khoát không trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội những dự án đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thêm nhiều phiên họp về công tác lập pháp, tăng thêm thời gian họp cho ý kiến về mỗi dự án tại mỗi phiên để có thể đi sâu vào những vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau để thảo luận thấu đáo rồi mới trình sang Quốc hội.
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chia thành 2 đợt, có những đợt họp hoàn toàn là dành cho công tác xây dựng pháp luật, có cả những phiên họp ngoài giờ để tiếp tục thảo luận một cách kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Cho biết tình trạng đưa vào Chương trình rồi lại xin rút là thực trạng mà các đại biểu Quốc hội phê bình rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, các Bộ, nhất là Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Bởi có những nội dung chưa có báo cáo đầy đủ, chưa rõ nội dung nhưng vẫn đưa vào đề xuất như dự án Luật Phát triển công nghiệp. Trong khi đó, có vấn đề cần phải cập nhật lại không cập nhật như sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tín dụng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận.
Trong bối cảnh Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu chỉ cho phép kéo dài đến hết năm 2023, sau năm 2023 không có luật nào là luật về xử lý nợ xấu nữa, thì Chính phủ lại không đề cập đến nội dung này.
Bên cạnh đó là việc Chính phủ ban hành nghị định nhất là việc ban hành các nghị định quy định về những vấn đề chưa có luật điều chỉnh (nghị định không đầu) phải có chương trình, có kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định xây dựng pháp luật, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, nghiêm túc rồi phải nghiêm túc hơn nữa. Từng cơ quan theo chức trách, nhiệm vụ của mình phải làm cho đúng. Một khi đã làm đúng quy trình pháp luật sẽ không mất thời gian nhiều để thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngại họp, khi đã đủ hồ sơ, đủ điều kiện, sẵn sàng tổ chức thêm 1 tháng 1 phiên nữa, họp ngày thường không đủ thì họp thứ Bảy, Chủ nhật cũng sẵn sàng. Vấn đề quan trọng là phải làm cho đến nơi, đến chốn, đánh giá tác động cho kỹ, đúng quy trình và quy định.
Nghiên cứu thấu đáo các nội dung đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Cho ý kiến về các dự án luật Chính phủ trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đối với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án luật rất quan trọng song cũng rất phức tạp, nhận thức về vấn đề này còn khác nhau, trong quản lý nhà nước có sự đan xen giữa các bộ, ngành; liên quan đến quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, phạm vi chi của bảo hiểm y tế…cần phải được nghiên cứu rất thấu đáo.
Quang cảnh phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) phải rút kinh nghiệm của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải cho ý kiến đến hai lần đi sâu vào đề xuất chính sách rồi đến nội dung mới có đủ điều kiện đưa vào Chương trình.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc lùi lại thời gian trình một kỳ họp so với trước đây để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vấn đề này phải quyết tâm thực hiện, không thể nào lùi thêm được nữa.
Liên quan đến dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Chính phủ rà soát một lần khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Vì vậy, có thể đưa dự án Luật vào Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 để kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Hội nghị trung ương.
Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung để nghiên cứu một số nội dung quan trọng quỹ không chia, việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, đánh giá kỹ các chính sách liên quan đến hợp tác xã bởi thực tế nhiều chính sách không đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm về việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong cùng một thời điểm, một quốc gia việc xử lý nợ xấu theo hai hệ thống khác nhau. Một nợ xấu thuộc phạm vi của Nghị quyết 42 và một loại nợ xấu xử lý theo Luật Các tổ chức tín dụng và luật có liên quan. Việc này không thể kéo dài.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ kéo dài đến năm 2023. Sau thời điểm này nếu như không có sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì sẽ đình chỉ hiệu lực của Nghị quyết 42 và cũng không xây dựng luật về xử lý nợ xấu. Do đó, Chính phủ cần xem xét để lấp được khoảng trống để 2 hệ thống này chập vào với nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 vừa qua, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá và các luật có liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm về các luật này.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, việc trình các dự án luật tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị của Chính phủ với tinh thần nội dung nào "chín", đủ điều kiện, chuẩn bị cho kỹ lưỡng theo đúng các quy trình bởi "giục tốc bất đạt"; trong quá trình đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ đồng hành vào cuộc từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cố gắng, nỗ lực cao nhất, sắp xếp thời gian để cho ý kiến các dự án luật./.