Xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu |
Tình hình chung
Hình thức: Chiến dịch tiến công chiến lược
Không gian: Thành phố Sài Gòn và vùng lân cận
Thời gian: Từ 26/4 đến 30/4/1975
Lực lượng tham chiến:
Ta: Các quân đoàn bộ binh 1, 2, 3, 4, 232 (tổng cộng 15 sư đoàn); các trung, lữ đoàn bộ binh; 4 trung, lữ đoàn tăng - thiết giáp; 6 trung đoàn đặc công và các đơn vị hỏa lực, kỹ thuật khác.
Tổng cộng: 240.000 quân, 400 xe tăng, thiết giáp, 420 pháo…
Địch: 5 sư đoàn bộ binh: 22, 25, 5, 18 và sư đoàn thủy quân lục chiến; 2 lữ đoàn dù, 1, 4; lữ 3 kỵ binh thiết giáp; 4 liên đoàn biệt động quân, bảo an và các đơn vị khác.
Tổng công: 240.000 quân, 625 tăng, thiết giáp, 400 pháo…
Kết quả: Ta tiêu diệt quân đoàn 3 và toàn bộ các lực lượng tăng cường, diệt và làm tan rã quân đoàn 4 cùng tất cả các lực lượng địch còn lại trên chiến trường; giải phóng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đòn quyết định làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Diễn biến chính
Mùa Xuân năm 1975, sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của quân ngụy đã bị tiêu diệt, trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn nổi, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình. Chúng lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa, như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc và sau đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 18/4, ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở đây, bắt sống Trung tướng Tư lệnh mặt trận Nguyễn Vĩnh Nghi. Ngày 20/4, trước sức tiến công của ta, Sư đoàn 18 ngụy tháo chạy, Xuân Lộc thất thủ.
Các tuyến phòng ngự từ xa đã bị phá vỡ, địch co về phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn với ba tuyến phòng ngự: vòng ngoài (bán kính 25 - 30km), vòng ven và nội đô.
Giữa tháng 4, ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Tất cả các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này.
Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị và tập trung một khối lượng rất lớn lực lượng và phương tiện trong thời gian ngắn nhất ở vùng kế cận Sài Gòn, chiều 26/4, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn.
Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4, các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài.
Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Đây là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta. Chiến dịch được thực hiện trong tình huống hai bên mặt đối mặt, cùng biết rõ ý đồ và lực lượng của nhau, khó tạo nên yếu tố bất ngờ ngay cả trong phạm vi chiến thuật, do đó, là bước phát triển về nghệ thuật chỉ huy. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch chỉ còn cách chấp nhận tác chiến hoặc đầu hàng. Trong đột phá chiến dịch ta vừa đánh địch phòng ngự vòng ngoài, vừa dùng các binh đoàn mạnh thọc thẳng vào chiều sâu và đầu não địch, đánh quỵ địch nhanh chóng. Lần đầu tiên ta sử dụng bộ đội tăng thiết giáp tập trung ở quy mô binh đoàn (lữ đoàn), đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu với tính chất là đoàn (lữ đoàn), đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu với tính chất là cụm cơ động thọc sâu phát huy được sức đột kích nhanh và tăng cường khả năng tác chiến trong hành tiến. Về chỉ đạo chiến lược, ta đã kết hợp chiến dịch với tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, giành thắng lợi hoàn toàn.
Non sông gấm vóc liền một dải
Kể từ khi Đảng ta ra đời cho đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã phải trải qua một cuộc tổng khởi nghĩa và hai cuộc kháng chiến mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Điều đó đủ để nói lên rằng, độc lập, tự do cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân, thu giang sơn gấm vóc về một mối là ý chí sắt đá, là nguyện vọng thiêng liêng cháy bỏng của toàn dân Việt Nam, mà "dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn" cũng quyết tâm đạt cho bằng được. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân hai miền Nam – Bắc đã sum họp một nhà. Trong cuộc đọ sức giữa ý chí Việt Nam và sức mạnh quân sự Mỹ, mặc dù phải chiến đấu gian khổ, hy sinh, nhưng tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng. Chiến thắng oanh liệt đó mãi là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã chọn.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chiến thắng vĩ đại đó mãi mãi là bản anh hùng ca ngân vang theo dòng chảy lịch sử; được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã làm nên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất. Đại hội lần thứ IV của Đảng đánh giá thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
49 năm sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội đã thay da đổi thịt, đang vững bước trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng ta không chỉ đề ra một đường lối chính trị đúng đắn, một đường lối đối ngoại phù hợp, mà còn tiếp tục cổ vũ, phát huy và nhân nguồn sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình trong mỗi người dân “con Lạc cháu Hồng” trên mọi lĩnh vực.