Cần quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt. Ảnh minh hoạ |
Chiều 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Nhiều ý kiến về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt
Góp ý kiến liên quan yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, tại khoản 2 Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 đã giao Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Để triển khai, cụ thể hóa nội dung này, ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định về nội dung này theo hướng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, nêu quan điểm, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành, có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ. Hơn nữa, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và việc quảng cáo các sản phẩm này đã được các luật chuyên ngành quy định.
Vì vậy, để linh hoạt, chủ động trong quản lý, đại biểu đề nghị quy định theo hướng: đối với những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ viện dẫn tại dự thảo Luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế.
Đại biểu cũng cho rằng, việc không luật hoá nội dung Nghị định đã quy định là đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành việc bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá, nội dung dự thảo Luật và các Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, chi tiết. Quan tâm đến nội dung quy định về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) . |
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc liệt kê chi tiết các sản phẩm đặc biệt trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm này thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Thay vào đó, nên đưa ra cách thức quy định linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần thiết.
Liên quan đến nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, dự thảo Luật đang đề xuất nâng diện tích công trình quảng cáo từ 20m2 lên 40m2 để giảm thủ tục hành chính. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, vì các công trình quảng cáo lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn, đặc biệt là kết cấu khung kim loại gắn với công trình xây dựng cao tầng. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa đề cập đến các hình thức quảng cáo ngoài trời mới. Do vậy, cũng cần bổ sung quy định cho đầy đủ để đảm bảo tính bao quát và linh hoạt trong quản lý.
Đại biểu cho rằng, việc xử lý quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng. Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng. “Do đó, tôi đề xuất xem xét bổ sung quy định về thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm …”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm chế tài cụ thể như thông báo công khai hoặc phạt thật nặng với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc có vi phạm nhiều lần.
Rà soát nội dung về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ quan tâm đến nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo Luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo…
Đại biểu cho biết, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 02 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet.
Đối với quảng cáo trên truyền hình, đại biểu cho biết, nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình, trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo. Chính vì thế, đây là hình thức mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Khái niệm tại dự thảo Luật cũng đã bỏ qua phạm vi “trên truyền hình” này.
Đối với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, You Tube, Instagram,.… hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet. Do đó, đại biểu cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…
Đặc biệt đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như: Quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo…
Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai). |
Đại biểu bày tỏ tán thành chủ trương quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tuy nhiên, điểm c, khoản 5 Điều 15a của luật hiện hành quy định: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Đại biểu cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.
Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc quy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.
Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân như trang cá nhân trên mạng xã hội, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc quảng cáo xuyên biên giới có tính đặc thù, đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là với quảng cáo về thực phẩm dược, hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, đại biểu cho biết, một số nền tảng xem video trực tuyến như YouTube, Facebook đang chèn quảng cáo một hoặc nhiều lần trong quá trình xem video, nhưng người xem không thể tắt quảng cáo nếu chưa hết thời lượng video quảng cáo được chèn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp này, không tạo lỗ hổng pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng xem video trực tuyến, tạo sự bất bình đẳng giữa hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này với các hoạt động quảng cáo trên các kênh khác.