Khánh thành “Trung tâm thực hành Tài chính Ngân hàng SHB – VNU” tại ĐHQG-HN F88 là startup tài chính huy động vốn tốt nhất Việt Nam năm 2023 Vay thấu chi có phải là giải pháp tài chính mùa Tết? |
Cần có chính sách để sớm đưa tài chính xanh vào vận hành. |
Xu hướng tất yếu
Tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon ngày 6/9/2023, TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) khẳng định tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới.
Trong đó, tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, ví dụ cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững... Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành.
Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của TS. Hồ Quốc Tuấn, các dự án chuyển đổi xanh có mức phủ rộng, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, thay thế vật liệu xanh hơn, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường…
Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chương trình nghị sự của TPHCM, mà còn giúp doanh nghiệp giảm phơi nhiễm với các rủi ro khí hậu, và đón nhận các cơ hội chuyển đổi xanh mang lại.
Trong khi chuẩn bị cho việc tham gia thị trường carbon bắt buộc, các doanh nghiệp tiên phong thậm chí tuyên bố những cam kết tham vọng hơn như trung hòa carbon (carbon neutral), hoặc phát thải ròng bằng không (net zero).
Với xu hướng này, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến công cuộc giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.
Đồng quan điểm, TS. Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho biết thế giới ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng.
Trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch, mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường.
TS. Trần Văn cho biết các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh
Các ngân hàng tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh. Ảnh: Environmental Finance |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTS) mà Chính phủ ký với các quốc gia trên thế giới.
5 năm trở lại đây, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như việc đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc… Đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay thị trường Mỹ. Chủ tịch VITAS đánh giá đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
Ông Giang kỳ vọng các cơ quan quản lý có hướng dẫn linh hoạt cho từng doanh nghiệp, từng địa phương để đảm bảo khả năng tài chính, nội lực thực hiện. Cùng với đó là chính sách vốn để các doanh dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững.
Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng chủ đề tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon rất được quan tâm nhưng hiểu biết của doanh nghiệp về việc này vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Cũng theo bà Thủy, việc tạo tín chỉ carbon không dễ. Hiện những cái tạo ngay được tín chỉ carbon là năng lượng tái tạo. Còn những cái dựa trên tài nguyên, đất đai thì rất khó vì liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng. Còn một nhóm liên quan đến chuyển đổi công nghệ để tạo phát thải thấp hơn hiện trạng, cũng không dễ dàng.
TS. Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức), cho rằng để biến thị trường carbon thành cơ hội cho Việt Nam thì còn nhiều câu hỏi phải trả lời. Các vấn đề được đặt ra như cơ hội nào cho các bên đầu tư để tạo tín chỉ carbon, thị trường mua và bán tín chỉ carbon ở đâu, ai bán ai mua, tín chỉ được Việt Nam công nhận thì có thể giao dịch quốc tế được hay không và ai sẽ công nhận.
Theo ông Phúc, để trả lời câu hỏi trên khối tư nhân và nhà khoa học cần được tham gia tích cực vào câu chuyện phát triển tài chính xanh này.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội SHB cho biết, ngân hàng đã tham gia đầu tư vốn cho tài chính xanh từ nhiều năm nay.
“Trong giai đoạn vừa rồi, ngân hàng tăng trưởng rất mạnh về tín dụng xanh hiệu quả. Đến năm 2022 dư nợ cho tăng trưởng xanh khoảng 10.000 tỷ. Những khó khăn, thách thức là trong giai đoạn vừa rồi lãi suất khá cao, đa số đầu vào là ngắn hạn nhưng đầu tư cho tăng trưởng xanh là dài hạn, vì vậy ngân hàng phải cân đối nguồn vốn”, ông Dũng cho biết.
Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, các chuyên gia kinh tế đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng.
Hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.