Các ngân hàng sẽ tăng mạnh phát triển bảo hiểm nhân thọ Các ngân hàng đồng loạt giảm phí dịch vụ cho cá nhân, doanh nghiệp Các Ngân hàng được nới 'room' tín dụng |
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho người lao động gặp khó vì Covid-19
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đề xuất, kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này là 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Theo đó, về chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hợp tác xã, tổ hợp tác; Hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỉ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng). Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.
![]() |
Các ngân hàng tung nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vì dịch Covid-19 |
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi; Hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm) (hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021.
Các nhà băng cũng tung nhiều gói hỗ trợ ‘cứu’ doanh nghiệp
Sau hơn hai tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai thông tư 01/2020 hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19, nhiều ngân hàng bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng.
Cụ thể, HDBank có gói giảm lãi suất vay ưu đãi 2%-4,5%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19. ACB cũng triển khai gói ưu đãi 35.000 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm được vay lãi suất ưu đãi giảm đến 2% so với lãi vay năm 2019. Kienlongbank cũng giảm 3%/năm lãi suất cho vay, so với mức lãi suất đang áp dụng cho khách hàng hiện hữu là cá nhân và DN tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
![]() |
Các ngân hàng tung gói tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch |
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố tiếp tục giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng tiền đồng). Mức giảm tùy thuộc mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chia sẻ về hỗ trợ của SHB đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỷ đồng đang thực hiện trên toàn quốc, từ đầu tháng 8/2020, SHB triển khai Chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu và mới gặp khó khăn bởi dịch bệnh.
Làn sóng hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 cũng được các ngân hàng nước ngoài hưởng ứng. Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19, Standard Chartered Việt Nam cho biết sẽ cung cấp gói tài chính 1 tỉ USD theo cam kết toàn cầu của ngân hàng này dành cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ giúp phòng chống dịch và các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm có nhu cầu cấp thiết để ngăn chặn đại dịch.
Cụ thể của gói tài chính nhắm đến các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong dược phẩm/sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng như các công ty ngoài lĩnh vực y tế nhưng tình nguyện tham gia vào sản xuất các sản phẩm như máy trợ thở, mặt nạ, khẩu trang, dụng cụ bảo vệ, sản phẩm và dụng cụ vệ sinh và các mặt hàng tiêu dùng liên quan khác.
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục có văn bản yêu cầu các TCTD tập trung giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định. Cơ quan quản lý cũng vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN theo hướng lùi lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng thêm 1 năm. Giới chuyên gia đều đồng quan điểm, động thái này của NHNN sẽ tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. |