Ngày 15/6, tại cuộc thảo luận của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho rằng để bảo đảm an ninh tài nguyên nước cần xem xét lại thể chế để xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam có lượng mưa, lượng nước chảy bao gồm nước nội địa và nước quốc tế khá phong phú. Đáng nói, hơn 63% lượng nước là từ nguồn nước xuyên biên giới chảy vào. Bởi vậy, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước nội địa thấp hơn trung bình với thế giới.
Bên cạnh đó, tác động kép của biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Đặc biệt là việc thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế để đảm bảo tính bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thể chế về nước của Việt Nam còn có vấn đề, chưa chặt chẽ, chưa có đầu tư về hạ tầng, chưa có chính sách kinh tế - tài chính. Hiện, 80% lượng nước sử dụng dùng cho nông nghiệp. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 mới có 2,37 USD, trong khi thế giới là 19,57 USD, ở Lào là 2,57 USD. Do vậy, Việt Nam cần phải làm rất nhiều biện pháp để nâng hiệu quả sử dụng nước ở khu vực này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: Các quốc gia thượng nguồn chiếm đến 20%, trữ lượng nước thông qua các hồ thủy điện và hồ chứa. Vùng thượng nguồn có thể giữ lại được lượng nước lớn, còn Việt Nam thì mất 70% đến 80% nước do biến đổi khí hậu và chỉ còn khoảng 20%-30% về giới hạn nguồn. Trường hợp các quốc gia thượng nguồn giữ lại 20%, nước ta có thể rơi vào tình trạng bất ổn và mất an ninh liên quan đến nguồn nước.
Để ứng phó với tình hình trên, Bộ trưởng cho rằng cần làm rõ vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quan trắc, dữ liệu, quy hoạch. Đồng thời, cần làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, như ở lưu vực sông Mê Kông và có thể chế chung để các nước cùng tham gia phù hợp với quốc tế.
“Chúng ta làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, đặc biệt là đưa những vấn đề nước lưu vực sông như sông Mê Kông, sông Lan Thương lên quốc tế hóa. Nhiều thiết chế chúng ta phải cùng với các nước vận động để tham gia vào thiết chế chung của quốc tế” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4 /12/2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này.
Theo đó, đối với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ được thực hiện cho 21 sông chính thuộc các lưu vực sông lớn; 10 sông chính thuộc các lưu vực sông nhỏ ven biển khác và trên phạm vi 7 đảo. Cụ thể, đối với các lưu vực như: Sông Hồng - Thái Bình: Dòng chính sông Hồng và sông Thái Bình; sông Bằng Giang - Kỳ Cùng: Dòng chính sông Bằng Giang và sông Kỳ Cùng; sông Mã: Đối tượng lập quy hoạch trên dòng chính sông Mã; sông Cả: Đối tượng lập quy hoạch trên dòng chính sông Cả; sông Hương: Dòng chính sông Hương và sông Bồ; sông Vu Gia - Thu Bồn: Dòng chính sông Vũ Gia và sông Thu Bồn; Trà Khúc: Dòng chính sông Trà Khúc và sông Vệ; Kone - Hà Thanh: Dòng chính sông Kon, sông Hà Thanh và sông Kỳ Lộ.
Đối với lưu vực như sông Ba: Dòng chính sông Ba; Sê San: Dòng chính sông Sê San; l Srê Pốk: Dòng chính sông Srê Pốk; sông Đồng Nai: Dòng chính sông Đồng Nai; sông Cửu Long: Dòng chính sông Tiền và sông Hậu.
Đối với nhóm các lưu vực sông nhỏ khác còn lại: Đối tượng lập quy hoạch trên dòng chính sông Ba Chẽ, Tiên Yên, Ka Long, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Cái Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Thuận, sông Cái Phan Thiết, sông Ray Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhóm các đảo gồm: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ gồm những nội dung chính như: Đánh giá tổng quan (hiện trạng tài nguyên nước; hiện trạng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tác động của việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; tác động của các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xu thế biến động tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội).
Đồng thời, xác định quan điểm quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Bên cạnh đó, định hướng việc xác định khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước (nếu có); điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; xác định yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông; xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước quy mô lớn và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Hà Linh