Nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh vàng rất rộng Đã tìm ra phương thuốc đặc trị cơn sốt giá vàng? Thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng và 2 ngân hàng |
Sáng 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn ( SJC ), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Phó thống đốc Phạm Quang Dũng yêu cầu đoàn thanh tra làm rõ hành vi vi phạm (nếu có), kiến nghị xử lý theo quy định. Trường hợp đoàn phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, xem xét chuyển sang cơ quan điều tra…
Độc quyền vàng miếng, SJC báo lợi nhuận siêu mỏng
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và đây là thương hiệu trong vòng khoảng một năm qua có giá bán cao hơn 10-18 triệu đồng/lượng so với các nhãn khác. Tuy nhiên, ông lớn vàng Nhà nước này có kết quả kinh doanh không ấn tượng.
Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận chưa tới 49 tỷ đồng. Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.811 tỷ đồng.
Kể từ cuối năm 2023, giá vàng trên thế giới, vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức trong nước tăng mạnh lên các đỉnh cao mới. Gần đây, giá vàng nhẫn có lúc lên gần 80 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng miếng SJC lên cao nhất từ trước đến nay, thời điểm cao nhất vàng miếng SJC cán mốc 92,5 triệu đồng/lượng.
PNJ lãi kỷ lục, vốn hóa vượt 1 tỷ USD
Trong số 4 doanh nghiệp sắp bị thanh tra về hoạt động kinh doanh vàng thì PNJ do nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung là cái tên có quy mô về vốn chủ sở hữu lớn nhất. Tại thời điểm cuối tháng 4/2024, PNJ có 403 điểm bán hàng tại 57 tỉnh thành trên cả nước.
Trong tháng 4 vừa qua, PNJ cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.455 tỷ đồng, tăng 34% so với kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về trong tháng 4 theo đó cũng tăng 60%, đạt 177 tỷ đồng, tương đương 5,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Tính lũy kế 4 tháng đầu năm, đại gia bán lẻ vàng trang sức này ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 33%, lên 16.049 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm liền trước. Tương đương, doanh nghiệp của nữ đại gia vàng Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế trung bình lên đến gần 10,2 tỷ đồng mỗi ngày trong 4 tháng đầu năm.
Theo kế hoạch năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 6%. Với kết quả kinh doanh tích cực trong 4 tháng đầu năm, PNJ đã hoàn thành được 43,8% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Tính theo giá kết phiên giao dịch sáng ngày 24/5, PNJ do nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung giữ vị trí Chủ tịch có giá trị vốn hóa hơn 32.820 tỷ đồng dù doanh nghiệp chỉ có tổng tài sản 12.969 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 10.474 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, PNJ đạt doanh thu thuần 33.137 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, mảng trang sức tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 66,8% vào tổng doanh thu chung của công ty.
Bất ngờ lợi nhuận của Bảo Tín Minh Châu
Nằm trên “phố vàng” nổi tiếng Trần Nhân Tông, Hà Nội, nhiều tháng nay Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu luôn chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài mua vàng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Vũ Minh Châu góp 90,17 tỷ đồng (90,17%) và ông Vũ Phương Nam góp 9,83 tỷ đồng.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Bảo Tín Minh Châu đạt 1.401 tỷ đồng, tăng 332 tỷ đồng, tương đương 31,1% so với năm 2022. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng, tương đương 9,8%.
Đây không phải năm đầu tiên Bảo Tín Minh Châu có lợi nhuận sau thuế èo uột. Trước đó, chỉ tiêu này lần lượt 4,1 tỷ đồng (năm 2022), 2 tỷ đồng (năm 2021) và 3,1 tỷ đồng (năm 2020).
Có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn tại Bảo Tín Minh Châu là rất thấp. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ là 4,32% (năm 2023), 3,9% (năm 2022), 1,96% (năm 2021) và 3,1%.
Tỷ suất lợi nhuận/vốn tại Bảo Tín Minh Châu thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng lúc thấp điểm.
Công ty Bảo Tín Minh Châu thành lập năm 1999. Cho tới nay, sau gần 30 năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 104 tỷ đồng dù vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Doji doanh thu khủng, lãi thấp
Mặc dù là một doanh nghiệp có tăng trưởng vượt bậc về doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, áp đảo nhiều đối thủ nhưng Doji của ông Đỗ Minh Phú lại khá chậm chạp và ghi nhận lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các ông lớn khác như PNJ.
Hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc mang về cho Doji mỗi năm hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất mỏng.
Theo báo cáo mới nhất, năm 2023, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 491 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 50% so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm 2022, dù vẫn cao hơn rất nhiều so với mức gần 240 tỷ đồng trong năm 2021. Trong 2 năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế Doji lần lượt là 150 tỷ đồng và 187 tỷ đồng.
Doji ghi nhận lợi nhuận ở mức khá cao trong 2 năm vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu tê liệt, bất động sản trầm lắng, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm nhanh. Vàng là một lựa chọn của nhiều người.
Lợi nhuận giảm nhưng cũng đã giúp Doji ghi nhận vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2023 tăng gần 400 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên hơn 6.745 tỷ đồng. Nhưng tổng nợ phải trả của Doji tăng vọt so với cuối năm 2022 lên hơn 15.850 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2023, Doji đã trả hết nợ trái phiếu. Trong giai đoạn 2020-2021, Doji từng phát hành nhiều lô trái phiếu trị giá vài nghìn tỷ đồng với lãi suất quanh ngưỡng 9-10%/năm. Trong đó, có nhiều lô đáo hạn năm 2026. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu "vỡ trận" sau sự kiện Tân Hoàng Minh, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp xoay vốn mua lại trái phiếu trước hạn.
Bộ Công an sẽ vào cuộc thanh tra thị trường vàng |
Nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh vàng rất rộng |
Thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng và 2 ngân hàng |