Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung trướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu I; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và các tỉnh, thành phố.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các nhà đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh. |
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới, và là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Bắc Ninh; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị kết hợp với các lễ khởi công gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm theo tinh thần đổi mới ngay sau Hội nghị Trung ương 10 rất thành công, khoản kinh phí tiết kiệm được dành để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển.
Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới nay, công tác này được tập trung đầu tư, đẩy mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trao quyết định quy hoạch phân khu cho các lãnh đạo huyện của tỉnh Bắc Ninh |
Quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước-biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện hiệu quả; có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt.
Quy hoạch cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Thủ tướng chỉ ra 3 yếu tố quan trọng trong công tác quy hoạch: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, cả nước, khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch gồm: Tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong - bên ngoài).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. |
Tại hội nghị đã diễn ra nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương và Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ.
Nghi lễ tổ chức khởi công được chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức online. Toàn bộ kinh phí dự kiến khởi công do chủ đầu tư, doanh nghiệp bố trí để khởi công trực tiếp tại địa điểm hai dự án trên đã được dành để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại sau cơn bão số 3.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài tuyến khoảng 13,4km, do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh, Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng tại Hội nghị. |
Với tổng kinh phí hơn 2.182 tỷ đồng, dự án xây dựng gồm cầu Kênh Vàng dài 740 m, rộng 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m. Vị trí xây dựng tại huyện Gia Bình, Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Cầu Kênh Vàng được coi là biểu tượng cho sự phát triển và kết nối giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, không chỉ giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người dân hai tỉnh. Dự kiến, năm 2025 sẽ hợp long cầu Kênh Vàng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1/1/1997-1/1/2027).