Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình giám sát năm 2023 |
Toàn cảnh Phiên họp |
Thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 69/77 cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về cơ bản, các ý kiến nhất trí với dự kiến nội dung chương trình. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung, điều chỉnh thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung về: tài chính, quyết toán ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Đồng thời, để phục vụ cho hoạt động giám sát lại tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) đạt hiệu quả, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, căn cứ lĩnh vực phụ trách, chủ động tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về tổng hợp chuyên đề giám sát của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện và cân đối các lĩnh vực, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến, đề xuất 06 chuyên đề để xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tổng hợp kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, căn cứ kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp việc lựa chọn chuyên đề giám sát theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Tổng Thư ký Quốc họi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 02 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 02 chuyên đề, được lựa chọn trong số 05 chuyên đề như sau: Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030);
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của 69/77 cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành cao với 05 chuyên đề giám sát do Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất.
Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo, một số ý kiến đề nghị bố cục nên có phần đánh giá thực hiện giám sát thời gian vừa qua; làm rõ hơn vai trò điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, bổ sung làm rõ hơn các tiêu chí, mục tiêu, yêu cầu lựa chọn chuyên đề giám sát; phân tích đánh giá, đặc điểm tình hình năm 2023 làm tiền đề đề xuất chương trình cụ thể; nghiên cứu bổ sung đề cương/kế hoạch kèm theo chuyên đề giám sát;…
Cho ý kiến vào việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đi sâu phân tích và đánh giá tính cấp thiết phải tiến hành giám sát của từng chuyên đề được Tổng thư ký Quốc hội đề xuất. Trong đó, nhấn mạnh về thực trạng hiện nay, những vấn đề đặt ra cũng như phạm vi giám sát liên quan đến các nội dung về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo;…
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung làm việc |
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 do Tổng thư ký Quốc hội trình.
Nội dung trong chương trình giám sát cơ bản phù hợp, được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời cũng bảo đảm bám sát các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế về hoạt động giám sát của Quốc hội và đây cũng là những vấn đề nổi lên được Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, việc lựa chọn được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đến hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, đề nghị báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội của năm trước và những tháng đầu năm cho đến khi diễn ra kỳ họp và báo cáo dự kiến chương trình giám sát năm 2023 cần tổng hợp thành 1 báo cáo chung, sau đó rút thành 1 Tờ trình bao gồm những vấn đề cốt lõi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội thảo luận thông qua, biểu quyết việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, về bố cục phần đánh giá kết quả giám sát xây dựng theo kết cấu gồm: tình hình triển khai, đánh giá ưu điểm, nhược điểm, kinh nghiệm rút ra,…; phần dự kiến chương trình giám sát năm 2023 nêu rõ tình hình, đặc điểm; có đánh giá tổng hợp ý kiến đề xuất, lựa chọn chuyên đề giám sát; …
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương |
Thông qua việc biểu quyết lựa chọn chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn 04 chuyên đề giám sát, bao gồm:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030);
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội trên cơ sở thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan chuẩn bị hoàn thiện các văn bản về tên chuyên đề, phạm vi giám sát của từng chuyên đề.
Đồng thời, chuẩn bị theo 2 hướng: Trình Quốc hội biểu quyết thông qua gồm cả thành lập Đoàn giám sát cũng như chương trình, kế hoạch và đề cương chi tiết giám sát; Quốc hội chỉ quyết định thành lập Đoàn giám sát còn lại ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xác định đề cương, kế hoạch chi tiết.