Bộ Nội vụ rà soát 8 nhóm thủ tục hành chính để đề xuất đơn giản hóa Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) |
Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Bộ Nội vụ về phối hợp công tác, triển khai nhiệm vụ |
Chiều ngày 8/4, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về bàn về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2022 và nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trách nhiệm của hai cơ quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã phối hợp hiệu quả trong thực hiện công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng; phối hợp tham mưu Quốc hội ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ cũng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về tiếp tục sắp xếp, tổ chức, cải cách bộ máy hành chính tinh gọn và hiệu quả, để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội: Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả - là một hoạt động kịp thời để triển khai Nghị quyết liên quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng thời, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2016 – 2021. Trên cơ sở đó, trong thời gian ngắn, với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai cơ quan, chúng ta đã thực hiện đã hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 48 Nghị quyết để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố, qua đó giảm 8 đơn vị cấp huyện và 557 đơn vị cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá,đạt được những kết quả nổi bật trên trước hết là nhờ sự chủ động, tích cực phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Thường trực Ủy ban, lãnh đạo Bộ, cũng như các vụ chuyên môn; sự tận tụy, trách nhiệm, trên tinh thần cầu thị giữa cán bộ hai cơ quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, với sự chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, các công việc thuộc phạm vi phụ trách của Ủy ban Pháp luật, với phạm vi trách nhiệm của Bộ Nội vụ đều được triển khai thuận lợi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và lãnh đạo Bộ Nội vụ này là tiền đề quan trọng để triển khai tốt các nhiệm vụ chủ trì, tham mưu của Thường trực Ủy ban trong năm 2022, cũng như trong cả nhiệm kỳ; là cơ sở để nâng cấp mối quan hệ giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong các mặt công tác |
Bày tỏ vui mừng khi hai cơ quan tổ chức cuộc làm việc để thống nhất công việc, nhiệm vụ nằm trong chương trình công tác của năm 2022 và cả nhiệm kỳ khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng, hoàn thiện nhiều dự án luật, cũng như các công việc thuộc phạm vi phụ trách của hai cơ quan, qua đó đóng góp quan trọng trong những thành tựu của Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong nhiệm kỳ khóa XV, Bộ Nội vụ có nhiều nhiệm vụ nặng nề, được giao chủ trì tham mưu xây dựng nhiều văn bản luật khó, nhiều vấn đề mới, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do vậy, Bộ Nội vụ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình tại nhiệm kỳ khóa XV, cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng như tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ mong muốn, tại buổi làm việc, hai bên sẽ trao đổi trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, tập trung, qua đó thống nhất về quan điểm, xác định một số giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc 3 nhóm nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật; triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính.
Tại buổi làm, hai Bên đã nghe báo cáo tình hình triển khai một số nhiệm vụ của năm 2022 và nhiệm kỳ khóa XV trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và tổ chức các đơn vị hành chính, trao đổi về tiến độ thực hiện, những kết quả bước đầu, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi một số nội dung trong phối hợp công tác giữa hai cơ quan |
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2022, Bộ chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ chuẩn bị dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022); tham mưu, giúp Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3; và chuẩn bị một số dự án khác.
Bộ Nội vụ cũng là một trong các đối tượng giám sát và là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ chuẩn bị các nội dung để báo cáo, giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - một dự án luật khó, có nhiều cách tiếp cận, nhiều quan điểm khác nhau, nhận được sự quan tâm cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành tích cực của Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Ngoài ra, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là một dự án luật khó, chưa có kinh nghiệm trên thế giới, đòi hỏi Bộ Nội vụ phải nỗ lực cao, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với Thường trực Ủy ban Pháp luật để xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Với các nội dung công việc nêu trên, các đại biểu đều thống nhất trong năm 2022, 2023 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ khá nặng nề. Về cơ bản, các nội dung do Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu nêu trên đều thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật.
Do đó, nếu giữa hai cơ quan có sự trao đổi thông tin thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ sớm thì các nội dung được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sẽ có sự đồng thuận, thống nhất cao, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu./.