Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022) tới đây |
PGS.TS Đặng Văn Thanh cho biết, sau 9 năm thi hành Luật giá số 11/2012/QH13 đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế ngay tại Luật giá và giữa Luật giá với các Luật chuyên ngành. Thực tiễn của nền kinh tế đã có những biến đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhận thức của các cơ quan quan lý nhà nước cũng còn hạn chế, tổ chức thực hiện còn thiếu quyết tâm. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường hội nhập và mở cửa, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật pháp Việt nam, rất cần kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Giá.
Bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung quy định trong dự thảo Luật, PGS.TS Đặng Văn Thanh kiến nghị, đối với Luật Giá (sửa đổi) cần tập trung quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong việc định giá, thẩm định giá, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tăng cường phân công, phân cấp trong cơ chế quản lý nhà nước về giá
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá: Dự thảo Luật đã bổ sung thêm 01 chương quy định các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh việc bổ sung quy định như tại Dự thảo là cần thiết và hợp lý bởi những lý do sau:
Một là, trong cơ chế kinh tế thị trường, nhà nước cần tập trung thực hiện chức năng quản lý, quản trị nhà nước, hạn chế tối đa những việc làm cụ thể của các cơ quan chức năng và có thể chuyển giao cho các tổ chức chuyên môn, các tổ chức xã hội ng hề nghiệp .
Vì vậy việc quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, cụ thể là Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu; phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận kê khai giá, thực hiện bình ổn giá, trách nhiệm xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá và các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền (Điều 13 dự thảo Luật) là cần thiết. Đây là nguyên tắc xuyên suốt về tăng cường phân công, phân cấp trong triển khai nhiệm vụ trong cơ chế quản lý nhà nước
Hai là, Dự thảo quy định, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất quản lý giá và thẩm định giá. Trong đó, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính với vai trò đầu mối trong việc triển khai các nhiệm vụ như xây dựng, điều chỉnh các Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý; xây dựng và hướng dẫn về phương pháp định giá; quản lý thống nhất hoạt động dịch vụ thẩm định giá...
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá theo lĩnh vực, phạm vi chuyên môn, chuyên ngành quản lý. Các quy định này cũng đã giúp phân định rõ được nhiệm giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, tạo thuận lợi cũng như minh bạch trong công tác tổ chức thực hiện; hạn chế được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đã quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gắn với phạm vi quản lý trên địa bàn. Trong đó, quy định Hội đồng nhân dân đóng vai trò là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật về giá, thẩm định giá cũng như có trách nhiệm cho ý kiến về việc Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân xin ý kiến.
Dự thảo Luật quy định về việc tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giá. Theo đó, các cơ quan cũng được quyền giao cho một đơn vị chuyên môn làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc quy định rõ nội dung này không làm tăng thêm cơ cấu, bộ máy, tổ chức hành chính vì hiện nay tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều có đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đơn vị tài chính cùng cấp làm đầu mối về công tác quản lý giá.
PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, cần khẳng định và quy định rõ, các nhiệm vụ triển khai tại địa phương về giá sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện bao gồm đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về giá, đảm bảo thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Hội đồng nhân đân (cơ quan dân cử tại địa phương) chủ yếu thực hiện chức năng giám sát việc thực thi pháp luật về giá, định giá và thẩm định giá.
Nâng cao chất lượng, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên
PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, vấn đề đặt ra là cần nâng cao chất lượng, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, gắn với đó là nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá.
Do đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị, Dự thảo cần quy định tính chất chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá . Theo đó cần quy định về năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp và có tính chuyên môn cao của nghề thẩm định giá.
Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời, cần có các quy định về giám sát, về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro nhất là đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần kinh doanh các nghiệp vụ thẩm định giá.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam |
PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng lưu ý, một số sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại các điều khoản so với Luật 2012 là cần thiết, cần quy định hợp lý hơn các hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá, kết quả thẩm định giá nhằm làm rõ hơn tính chất của hoạt động thẩm định giá và giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá, cụ thể:
Về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá, quy định như Dự thảo chưa thật sự đầy đủ, cần bổ sung nguyên tắc phải phù hợp tính chất từng loại tài sản và công khai phương pháp xác định giá và thẩm định giá.
Về dịch vụ thẩm định giá, mặc dù tại dự thảo Luật đã có các quy định tiêu chuẩn đối với thẩm định viên về giá theo hướng chuyên môn hóa lĩnh vực tài sản thẩm định giá; quy định các điều kiện hành nghề đối với thẩm định viên về giá; quy định chặt chẽ hơn điều kiện trong khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá,… Tuy nhiên, đề nghị, quy định Thẻ thẩm định viên về giá cần nâng cao năng lực và hướng tới chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản.
Theo đó, Thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo lĩnh vực gồm: thẩm định giá tài sản (bất động sản, động sản và các hàng hóa, dịch vụ thông thường) và thẩm định giá doanh nghiệp (doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình...). Những quy định này góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên môn sâu, cũng như tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá.
Về thẩm định viên về giá, dự thảo Luật quy định thẩm định viên về giá là người có Thẻ thẩm định viên về giá đang hành nghề tại doanh nghiệp để thống nhất về mặt nguyên lý đã là thẩm định viên thì người đó phải đang hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá.
Tuy nhiên, về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá, cần quy định thêm điều kiện: Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước, chịu sự kiểm soát của tổ chức nghề nghiệp về chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá; Tham gia các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ kỹ năng về thẩm định giá do tổ chức nghề nghiệp tổ chức hàng năm. Đây là những quy định góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Tách riêng cơ chế thương lượng và hòa giải
Liên quan đến quy định cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá: Dự thảo Luật đã có quy định tương đối cụ thể, bao gồm các phương pháp như: Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá; Giải quyết bằng trọng tài thương mại; Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, PGS. TS Đặng Văn Thanh kiến nghị, nên tách riêng cơ chế thương lượng và cơ chế hòa giải bởi trên thực tế có cơ chế hòa giải độc lập, có hòa giải tại tòa án. Ngoài ra, với cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án, cần ghi rõ tòa án kinh tế.
Đối với quy định Hội nghề nghiệp về thẩm định giá, PGS. TS Đặng Văn Thanh cho rằng, việc bỏ quy định Bộ Tài chính là đơn vị tổ chức kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá để hướng tới việc xã hội hóa trong việc tổ chức thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá, chuyển giao nhiệm vụ này cho các tổ chức nghề nghiệp là cần thiết và đúng hướng.
Bộ Tài chính là cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung làm chức năng quản lý, quản trị nhà nước, trong đó chức năng chính là ban hành quy định về việc tổ chức thi và thực hiện giám sát hoạt động thi, cấp, chứng nhận năng lực, chứng chỉ thẩm định giá, thẻ thẩm định viên. Những công việc mang tính dịch vụ như Bồi dữơng , đào tạo , tổ chức thi cấp chứng nhận năng lực , chứng chỉ nghiệp vụ , tổ chức đăng ký hành nghề và quản lý hành nghề , kiểm soát chất lượng hành nghề, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp ... nên chuyển giao cho các tổ chức nghề nghiệp
PGS. TS Đặng Văn Thanh cũng đề xuất, để kiểm soát chất lượng nghề nghiệp thẩm định giá và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của thẩm định viên, đề nghị quy định Thẩm định viên về giá ngoài việc phải có tên trong danh sách thẩm định viên về giá theo lĩnh vực chuyên môn do Bộ Tài chính thông báo, cần quy định thêm phải là Hội viên chính thức của Hội nghề nghiệp thẩm định giá. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá có trách nhiệm tổ chức và tạo điều kiện cho Hội viên hành nghề đúng luật pháp, có quyền kiến nghị Bộ Tài chính đình chỉ có thời hạn hoặc vô thời hạn đối với thẩm đinh viên về giá.
Nên từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá
Đối với nội dung về hiệp thương giá, PGS. TS Đặng Văn Thanh cho rằng, nên tiếp tục quy định về biện pháp hiệp thương giá như quy định tại Luật Giá hiện hành. Quy đinh như vậy sẽ phù hợp thực tế. Về nguyên tắc, nhà nước đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, việc thương thảo, định giá mua, giá bán là quyền của doanh nghiệp, nhà nước không can thiệp trực tiếp. Hiệp thương về giá là cơ chế trung gian nhằm xử lý tình huống có vướng mắc về giá trong một số trường hợp gắn với các điều kiện cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho các bên trong trường hợp các doanh nghiệp không thống nhất được giá của một số hàng hóa đặc thù.
Về quy định lập quỹ bình ổn giá, nên từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá. Về thực chất đây là biện pháp bình ổn giá có thời hạn và nhà nước còn có sự van thiệp bằng biện pháp hành chính vào hoạt động kinh tế. Đây là biện pháp không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường.. Nói chung, trong kinh tế thị trường Nhà nước không nên điều tiết thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu. Vấn đề giá nên để thị trường và các doanh nghiệp tự quyết định. Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ Luật pháp về giá.
Riêng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù thành lập theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2020/NĐ-CP sẽ tiếp tục thực hiện./.
Sửa Luật Giá, khắc phục hạn chế sau hơn 9 năm thi hành |
Đề xuất quy định mới về bình ổn giá |
Sửa Luật Giá: Nâng cao tiêu chuẩn thẩm định viên về giá |