Phân biệt sam biển và so biển
Sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).
Tachypleus tridentatus, dân gian gọi là sam biển (sam lớn). Khu vực phân bố của nó là các vùng ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, sam con và sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán tại và sử dụng làm thực phẩm. Sam biển không gây ngộ độc.
Carcinoscorpius rotundicauda, dân gian gọi là so biển (sam nhỏ). Khu vực phân bố của nó cũng là ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong so biển có độc tố tetrodotoxin.
Độc tố này tập trung chủ yếu ở trong buồng trứng. Đặc biệt vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao. Tính nguy hiểm của độc tố này rất lớn vì chúng có thể lây lan sang các bộ phận khác.
Độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc) tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Tetrodotoxin cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 đến 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100oC) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; chỉ phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200oC trong 10 phút.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân là do không biết so biển có chứa độc tố cực mạnh nên đã dùng để chế biến thức ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển.
Triệu chứng bị ngộ độc do độc tố của so biển
Người ăn phải thịt so biển, sau khi chất độc Tetrodotoxins ngấm vào cơ thể sẽ có những triệu chứng sau:
Sau khi ăn phải so biển, chất Tetrodotoxins được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện. Nạn nhân có thể thiệt mạng nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Xuất hiện triệu chứng sau khi ăn từ 30 phút đến 60 phút.
Triệu chứng chung: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ...
Xử trí ngộ độc
Phát hiện có dấu hiệu sớm (còn tỉnh táo): cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, tìm mọi cách gây ói hết thức ăn có trong dạ dày càng nhanh càng tốt; nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện). Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.
Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc. Sau khi gây nôn nên uống một tuýp than hoạt, uống oresol bù điện giải.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
(1) Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong việc phân biệt sam biển, so biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.
(2) Tuyên truyền giáo dục cho ngư dân loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển.
(3) Tăng cường giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng thủy hải sản.
(4) Tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do độc tố so biển.
Theo Khoa Học