Loạt thương hiệu Việt đình đám vào tay người Thái giờ ra sao? Thị trường khởi sắc, niềm tin dẫn lối nhà đầu tư tới Ocean City Anh tài tụ hội, bất động sản Đông Anh tiếp đà phát triển |
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã: BMP) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự. Cụ thể, vào ngày 11/3/2025, ông Chaowalit Treejak đã gửi đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên, việc từ nhiệm chưa có hiệu lực ngay mà sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/6/2025. Như vậy, ông Chaowalit Treejak vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho đến hết ngày 31/5/2025.
![]() |
Ông Chaowalit Treejak (Ảnh: BMP). |
Ông Chaowalit Treejak, sinh năm 1966, mang quốc tịch Thái Lan, đã làm việc tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh từ năm 2021 với vị trí Phó tổng giám đốc. Đến tháng 8/2022, ông đảm nhận vai trò Tổng giám đốc và giữ chức vụ này cho đến nay.
Trước đó, ông làm việc ở nhiều vị trí tại SCG Chemicals (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan - công ty mẹ của Nhựa Bình Minh).
Bên cạnh vai trò trong ban điều hành, ông còn kiêm nhiệm chức danh Phó chủ tịch Nhựa Bình Minh. Ông đã gửi đơn xin từ nhiệm vị trí này, thời điểm có hiệu lực sẽ do Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 quyết định.
Theo báo cáo tài chính năm 2024, ông Chaowalit Treejak nhận thù lao hơn 6,1 tỷ đồng, tương đương gần 520 triệu đồng mỗi tháng, mức cao nhất trong Hội đồng Quản trị.
Sau khi ông Chaowalist Treejak chính thức nghỉ, ông Niwat Athiwattananont sẽ thay thế, làm tổng giám đốc của nhựa Bình Minh với thời hạn bổ nhiệm 5 năm.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Niwat Athiwattananont giữ chức Giám đốc Nghiên cứu và Công nghệ Chất dẻo tại Công ty SCG Chemicals Public Company Limited (Thái Lan).
Nhựa Bình Minh có tiền thân là Nhà máy công ty hợp doanh Nhựa Bình Minh, được thành lập vào năm 1977. Sau nhiều lần đổi tên và tiến trình cổ phần hóa, đến năm 2004, công ty chính thức mang tên như hiện nay.
Nhựa Bình Minh đã về tay Tập đoàn SCG (Thái Lan) từ năm 2018. Tính đến cuối năm 2024, The Nawaplastic - công ty thành viên của tập đoàn này nắm 54,99% vốn của BMP.
Là một thương hiệu lâu đời trong ngành nhựa xây dựng, BMP chủ yếu hoạt động tại khu vực phía Nam và hiện chiếm hơn 50% thị phần ống nhựa tại đây, theo báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Nhựa Bình Minh đã hưởng lợi đáng kể từ việc giá nguyên liệu PVC giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc suy yếu. Nhờ đó, lợi nhuận công ty tăng trưởng mạnh từ quý 4/2022, đạt đỉnh vào quý 2/2023 trước khi bắt đầu chững lại do tác động của nền kinh tế đến sản lượng tiêu thụ.
Trong năm 2024, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu hơn 4.616 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 991 tỷ đồng, giảm 5% so với mức kỷ lục của năm 2023.